Kinh tế

Phát triển kinh tế số là hướng đi tất yếu

Hồng Sơn 17/01/2024 - 07:22

Những năm gần đây, kinh tế số ngày càng nổi lên như một lĩnh vực quan trọng, bao trùm lên nhiều ngành, từ sản xuất đến thương mại và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế các quốc gia. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu về thực trạng, sự đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế.

quet-ma-qr-code-thanh-toan-.jpg
Quét QR code thanh toán hóa đơn tại siêu thị Winmart+ (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

- Hiện nay, kinh tế số đóng góp như thế nào trong Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam? Dự báo kinh tế số phát triển thế nào trong những năm tới, thưa ông?

- Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2023 ước đạt 12,33%, có xu hướng giảm so với giai đoạn 2020-2022 (tỷ trọng lần lượt là 12,66%, 12,87% và 12,63%). Nguyên nhân là do ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm sút đơn hàng do nhu cầu thế giới giảm.

Có thể thấy, các ngành có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành có xu hướng tăng lên. Một số ngành có tỷ trọng giá trị tăng thêm cao nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số, như: Thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí khoảng 4%; hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%...

- Xin ông cho biết vì sao đến nay mới tính toán và công bố đóng góp của kinh tế số vào GDP?

- Sự đột phá của công nghệ số đã tạo nên đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hành vi, cách thức làm việc của người dân và toàn xã hội dựa trên công nghệ số trở nên đại trà hơn. Chuyển đổi số đã thay đổi cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc. Phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số ngày càng đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Việt Nam có thể tận dụng, từ đó bứt phá trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Ở Việt Nam, kinh tế số đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GDP. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đã được quy định tại hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

- Ông có thể so sánh kinh tế số ở Việt Nam với một số nền kinh tế khác? Những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế số ở nước ta?

- Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số ở Việt Nam tương ứng với tỷ trọng kinh tế số của Thái Lan trong GDP năm 2021-2022 (hơn 12%) và cũng có xu hướng giảm, thấp hơn nhiều so với Malaysia và Singapore, nhưng vẫn cao hơn so với Hoa Kỳ, Canada, Australia... Tuy nhiên, việc so sánh này cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Có một số thuận lợi cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại “công nghệ số” hình thành, việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống, xã hội trở thành xu hướng phát triển tất yếu, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Kinh tế số càng phát triển sẽ là nền tảng cho các hoạt động kinh tế khác phát triển theo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là một nền kinh tế năng động với hơn 700.000 doanh nghiệp tư nhân, dân số hơn 100 triệu người và đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Chính phủ đang tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0...

Ngược lại, trong quá trình phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu; chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo.

Thứ hai, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung, thống nhất. Trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên, từ dữ liệu mà các mô hình số hóa tạo ra những dịch vụ cá nhân hóa tối ưu và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

Thứ ba, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao - nhân tố quan trọng trong cạnh tranh.

Thứ tư, việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta còn yếu, nhiều nguy cơ. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số.

Thứ năm, kiểm soát và đo lường các hoạt động kinh tế số trong từng ngành kinh tế gặp khó khăn. Xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội ngày càng tăng dẫn tới khó khăn trong việc xác định và bóc tách hoạt động kinh tế số theo ngành kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế số là hướng đi tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.