Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai 5 nhóm giải pháp khắc phục tồn tại của ngành Giao thông Vận tải

Đình Hiệp| 08/06/2023 10:12

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 8-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về chi phí logistic, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN thì Việt Nam đứng thứ tư. Đây cũng là kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí này còn rất nhiều.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 8-6.

Việt Nam còn nhiều dư địa giảm chi phí logistic 

Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế, chi phí logistic đều được so sánh với GDP. Năm 2022, chi phí logistic của nước ta ở mức 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 (chi phí logistic chiếm khoảng 16-20%). Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư về chi phí logistic. Đây cũng kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí này còn rất nhiều. 

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh các phương vận tải đa phương thức. 

Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng. Chủ động phối hợp, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng, tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu tranh luận.

Phát biểu tranh luận về vấn đề giảm bớt chi phí logistics bền vững, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường sắt của Việt Nam hiện đại để tạo ra một hệ thống giao thông nòng cốt, trụ cột, xương sống và xuyên suốt đất nước, từ đó kết nối thị trường trong nước và ngoài nước. Đây là vấn đề rất lớn, rất khó nhưng nên làm và phải làm. Đại biểu cũng gửi ý kiến này tới Phó Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nhận thấy, một số dự án Bộ trưởng nêu ra chưa có thời gian, thời hạn, chưa có khẳng định cụ thể, nhất là đối với các dự án BOT. Do đó, đại biểu đề nghị với nhiều dự án, Bộ trưởng cần có cam kết cụ thể để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm. 

Khắc phục những tồn tại, bất cập

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giao thông Vận tải vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vướng mắc, khó khăn, như: Việc tổ chức triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia còn chưa đạt yêu cầu, giải ngân đầu tư công rất chậm; các hình thức PPP và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; chưa có giải pháp giải quyết căn bản tồn đọng, vướng mắc của một số dự án BOT…

Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt; chất lượng dịch vụ vận tải, logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phạm vi rộng, thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm; việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau cấp phép còn nhiều bất cập và yếu kém.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt. 

Thứ ba, chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ theo phân công của Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023), thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024); đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện…

Thứ tư, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách, nhất là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, đồng thời, rà soát, hoàn thiện về nội dung, phương pháp đào tạo, các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn sáng 8-6.

Về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Đây là vấn đề lớn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần giải quyết tháo gỡ về lâu dài, không thể hoàn thành một sớm một chiều. Bộ trưởng cho rằng, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu ở vùng lõi tiếp tục "mọc" lên các chung cư cao tầng thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp diễn. 

Trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị, cần chú trọng dành đất cho giao thông. Bộ trưởng cho rằng, tỷ lệ đất cho giao thông cần chiếm từ 16-26% đất đô thị, tuy nhiên, chúng ta chỉ dành khoảng 8-9%. Bên cạnh đó, việc phát triển phương tiện công cộng cũng là vấn đề cấp thiết, trong đó, đường sắt đô thị cần tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tiến độ; tổ chức sắp xếp để mở rộng không gian giao thông, triển khai quyết liệt các tuyến đường vành đai, tuyến tránh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai 5 nhóm giải pháp khắc phục tồn tại của ngành Giao thông Vận tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.