(HNMO) - Facebook đang hợp tác với nhà nghiên cứu thuộc Khoa Bức xạ của Trường Đại học Dược New York (Mỹ), nhằm cải tiến công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI).
Quy trình chụp cộng hưởng từ là sự "tra tấn" đối với người bệnh do mất quá nhiều thời gian. |
Theo các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Facebook (FAIR), với công nghệ hiện nay, một lần chụp MRI mất rất nhiều thời gian, đôi khi lên tới hơn 1 tiếng. Với người bình thường, khoảng thời gian phải nằm thẳng bất động này thực sự đã là sự tra tấn. Trong khi đó, những người có vấn đề về sức khỏe có thể sẽ chịu nhiều đau đớn khi làm việc này. Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo sẽ là yếu tố căn bản giúp giải quyết bài toán khó này.
Mục tiêu của mối quan hệ hợp tác nói trên chính là để tìm cách tận dụng trí tuệ nhân tạo để tăng tốc quá trình chụp cộng hưởng từ lên tới 10 lần. Về lý thuyết, MRI thu thập dữ liệu và biến nó thành hình ảnh chéo của kết cấu bên trong cơ thể, như nội tạng và mạch máu. Tuy nhiên, khi khu vực chụp càng rộng, thời gian cần cho quá trình này cũng tăng lên đáng kể và chính là lúc trí tuệ nhân tạo "vào cuộc". Các nhà khoa học tại Trường Đại học Dược New York và FAIR muốn tăng tốc quá trình chụp, thông qua việc giảm bớt dữ liệu thô cần thu thập và cho phép các mạng lưới thần kinh đã được huấn luyện "trám" những khoảng trống thông tin cần thiết. Nói cách khác, họ sẽ phải huấn luyện sao cho mạng lưới thần kinh trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết được kết cấu bên dưới hình ảnh và tự trám những dữ liệu cần thiết, cho phép tăng tốc quá trình chụp.
Theo ước tính, dự án này sẽ sử dụng dữ liệu từ 10.000 ca chữa trị và 3 triệu hình ảnh MRI đã được loại bỏ toàn bộ thông tin cá nhân của bệnh nhân. Sau khi hoàn tất, đội ngũ nghiên cứu dự kiến sẽ "mở" toàn bộ sản phẩm, cho phép chia sẻ các khuôn mẫu trí tuệ nhân tạo, dữ liệu hình ảnh và số liệu với những nhóm nghiêm cứu khác có nhu cầu.
Việc cắt giảm thời gian chụp trong khi không làm suy giảm độ chính xác sẽ ngay lập tức đem tới những lợi ích thực tế, như giảm tải những bệnh viện không đủ số máy chụp trong khi lại có quá đông bệnh nhân. Thậm chí, MRI cũng có thể thay thế x-quang và chụp cắt lớp (CT) trong nhiều ứng dụng nhất định. Dĩ nhiên, việc giảm thời gian chờ đợi của người bệnh là lợi ích hiển nhiên.
Sau khi hoàn thiện với MRI, cơ chế trí tuệ nhân tạo nói trên hoàn toàn có thể được ứng dụng để tối ưu quy trình chụp cắt lớp, cũng như nhiều công nghệ chụp chiếu khác trong ngành Y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.