Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tri ân bằng việc làm thiết thực

Minh Ngọc| 22/07/2018 07:12

(HNM) - Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thể hiện tình nghĩa, trách nhiệm đối với các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Người có công ở Hà Nội được điều dưỡng luân phiên 2 năm/lần thay vì 5 năm/lần theo quy định của Nhà nước. Ảnh: Bá Hoạt


Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách


Hà Nội có gần 800.000 người có công, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước. Những năm qua, TP Hà Nội luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, đồng thời ban hành nhiều chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn ở Thủ đô. Nổi bật là chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm/lần xuống 2 năm/lần được thực hiện bài bản, rộng khắp. Trong năm 2018, toàn thành phố dự kiến đưa hơn 12.000 người đi điều dưỡng luân phiên.

Thương binh Phạm Khánh Vân, trú tại tiểu khu Cơ khí, thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên) cho biết: “Tháng 5-2018, tôi và nhiều đồng đội đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2, phường Biên Giang (Hà Đông). Tại đây, chúng tôi được khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, đi tham quan, tìm hiểu các địa danh lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, chúng tôi luôn nhận được quà của thành phố, sự thăm hỏi, động viên của lãnh đạo địa phương”.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công theo tinh thần Kế hoạch 190/KH-UBND ngày 7-10-2016 của UBND TP Hà Nội đã và đang góp phần nâng cao mức sống cho nhiều gia đình. “Năm 2017, gia đình tôi được quận Hà Đông hỗ trợ 70 triệu đồng, phường Đồng Mai và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà. Có nhà mới, cuộc sống của gia đình tôi ổn định, ấm áp hơn”, bà Lê Thị Mỹ (vợ liệt sĩ), trú tại tổ dân phố 14, phường Đồng Mai (Hà Đông) chia sẻ.

Trên thực tế, đến thời điểm giữa năm 2017, Hà Nội không còn gia đình người có công có nhà ở xuống cấp, song chính sách này vẫn được các ngành, địa phương duy trì. Nhờ đó, năm 2018, Hà Nội có thêm 296 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa trước dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Ngoài ra, TP Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều chính sách như: Chính sách hỗ trợ các Ban Liên lạc tù chính trị của thành phố; trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày không hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thanh niên xung phong không có khả năng lao động, sống cô đơn.

Hà Nội còn là một trong số ít các địa phương hỗ trợ người có công khi thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng; trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ, công nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công…

Việc giải quyết hồ sơ liên quan đến người có công cũng được các cấp, ngành thực hiện chu đáo. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, hiệu quả giải quyết hồ sơ liên quan đến người có công chuyển biến rõ rệt sau thời gian triển khai Quyết định 603/QĐ-UBND ngày 1-2-2018 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính và Kế hoạch 54/KH-UBND ngày 2-3-2018 về khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao hiệu quả phối hợp, liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực người có công của UBND thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho 19.500 trường hợp. Các quận, huyện, thị xã cơ bản không còn hồ sơ tồn đọng liên quan đến người có công.

Quan tâm đến đời sống người có công

Bệnh viện Quân y 105 khám bệnh cho đối tượng chính sách nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.


Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, TP Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tuyên truyền sâu rộng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”…

Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” toàn thành phố vận động được hơn 19 tỷ đồng, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến, toàn thành phố sẽ tặng gần 2.500 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” cho người có công có hoàn cảnh khó khăn. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc…

Đáng chú ý, dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TP Hà Nội dành gần 104 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà người có công. Mức quà và đối tượng được tặng quà được mở rộng. Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trực tiếp xuống cơ sở thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, dịp 27-7 năm nay, thành phố tặng 1 triệu đồng/suất quà đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên... Riêng đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ được tặng số suất quà tương ứng với số liệt sĩ thờ cúng, mỗi suất 500.000 đồng. Ở cấp cơ sở, các địa phương duy trì hoạt động thường niên như thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, gặp gỡ người có công tiêu biểu…

Quan tâm đến đời sống của người có công, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức khám, phát thuốc cho người có công ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), phường Quang Trung (quận Hà Đông).

Bệnh viện Quân y 105 đưa cán bộ về thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), xã Thụy An (huyện Ba Vì), xã Tam Hiệp, Ngọc Tảo, Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ)… khám sức khỏe cho đối tượng chính sách và hướng dẫn họ cách chăm sóc sức khỏe...

Những việc làm nêu trên cho thấy, TP Hà Nội luôn quan tâm chăm sóc người có công bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, bảo đảm cho mức sống của gia đình người có công luôn bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Theo kế hoạch, dịp 27-7 năm nay, UBND thành phố ủy quyền cho Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch, Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi vào ngày 26-7. Trước đó, Đoàn đại biểu của thành phố đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Hà Giang, Quảng Trị và Tây Ninh. Dịp này, các quận, huyện, thị xã tiến hành tu sửa, nâng cấp hơn 70 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 36 tỷ đồng. 100% xã, phường, thị trấn tổ chức thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tri ân bằng việc làm thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.