(HNM) - Tại Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 1-8-2018) phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu là hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng đô thị thông minh Hà Nội cũng đã được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội với mục tiêu, đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”.
Những bước đi đầu tiên
Về chuẩn bị cho xây dựng đô thị thông minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ, trong giai đoạn 1 (2018-2020), Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Điển hình như thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, an toàn, vùng phủ dịch vụ rộng, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng 4G, triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G.
Cũng theo lộ trình, Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Đến nay, thành phố đã triển khai phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 1.685 thủ tục hành chính đủ điều kiện (đạt tỷ lệ 100%); kết nối 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia… phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến trên không chỉ tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch, mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian, từ đó thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.
Cùng với việc xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường… Đặc biệt, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để vừa duy trì các hoạt động của người dân, doanh nghiệp vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.
“Hà Nội đã triển khai xuyên suốt tất cả nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có 3 nền tảng chính: Khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Các nền tảng này đã góp phần đắc lực cho công tác phòng, chống dịch”, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết.
Trong thời điểm Hà Nội tăng cường xét nghiệm tầm soát diện rộng phát hiện ca nhiễm Covid-19, với một khối lượng rất lớn, việc áp dụng công nghệ đã giúp tiết kiệm thời gian lấy mẫu và có dữ liệu chính xác hơn. Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR code đã giúp Hà Nội truy vết hàng trăm ca F1 từ các điểm nóng F0 trên địa bàn… Ngoài các nền tảng trên, thành phố đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia triển khai phần mềm phục vụ điều phối, phân luồng, chuyển bệnh nhân Covid-19; triển khai tổng đài 1022 tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh và tư vấn liên quan đến phòng, chống dịch.
Một sự kiện đáng chú ý trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội là vào tháng 10-2019, dự án thành phố thông minh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD trên diện tích 272ha tại huyện Đông Anh đã được động thổ. Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Dự kiến, toàn bộ 5 giai đoạn của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.
Cơ bản hình thành nền tảng cốt lõi
Là cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp các đơn vị để xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, thành phố thông minh có thể được hình dung như một “hệ thống lớn”, không thể xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn, do vậy, cần lấy việc “cấy gen thông minh” làm trọng tâm để xây dựng thành phố thông minh bền vững, đi từng bước nhỏ, nhưng khả thi và mang lại hiệu quả. Tiêu chuẩn thông minh được xác định thông qua quy hoạch, phát triển đô thị, các quy hoạch chuyên ngành và các cơ chế, chính sách, biện pháp tổ chức phù hợp.
Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) Đỗ Công Anh cho rằng, Hà Nội nên triển khai một số dịch vụ cơ bản trong phạm vi hẹp, tận dụng tối đa những hạ tầng sẵn có để triển khai và đánh giá kết quả trước khi xem xét cho một kế hoạch phát triển đô thị thông minh dài hạn. Theo ông Đỗ Công Anh, các dịch vụ cơ bản phục vụ trước mắt những nhu cầu bức thiết của người dân và chính quyền đô thị, tùy theo điều kiện về nguồn lực để triển khai thêm các dịch vụ khác. Việc triển khai các dịch vụ thông minh rất cần sự sáng tạo và tham gia của địa phương (đối tượng trực tiếp thụ hưởng các dịch vụ đô thị thông minh) và các doanh nghiệp công nghệ số. Ngoài các yếu tố về hạ tầng, nền tảng và công nghệ, dữ liệu có vai trò rất quan trọng trong phát triển đô thị thông minh và cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, lĩnh vực liên quan để sẵn sàng mở và chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển đô thị thông minh.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức, PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã kiến nghị, mô hình phát triển thành phố thông minh của Hà Nội cần hướng tới 5 mục tiêu: Đô thị đáng sống, đô thị kết nối, đô thị cạnh tranh, đô thị hiện đại và có bản sắc, đô thị thích ứng. Cùng với đó, Hà Nội cần thực hiện 5 giải pháp: Quy hoạch không gian đô thị thông minh, quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin, phát triển dịch vụ tiện ích thông minh, quản trị đô thị thông minh.
Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Rõ ràng, mục tiêu lớn là Hà Nội trở thành thành phố thông minh vào năm 2030, đồng thời cũng là hướng đi tất yếu mà Hà Nội phải vươn tới để xứng tầm với vị trí của Hà Nội - Thủ đô, trái tim, niềm tự hào của cả nước và với vị thế của Hà Nội trên thế giới hôm nay: Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ là sự thúc giục Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới, mà còn là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn khơi thông, kích phát các nguồn lực mới cho chặng đường phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.