(HNMO) - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đang tích cực điều trị cho bé trai Diệp Tấn Tài 8 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp bị sốc bỏng nặng do ngã vào hố tro trấu đang cháy âm ỉ. Sau 2 tháng nỗ lực điều trị, trải qua 4 lần phẫu thuật, tài may mắn giữ lại được đôi chân.
Cháu Diệp Tấn Tài đang dần phục hồi sau tai nạn ngã vào hố tro trấu |
Có mặt tại bệnh viện, anh Diệp Tân Phong, bố của cháu tài cho biết: “Ngày 3-8, cháu Tài được người dì đưa về thăm quê ngoại ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Trong khi cùng một đám bạn nhỏ đi chơi tại con đường trong thôn rộng chừng 1,2m thì xảy ra tai nạn. Tài gặp một chiếc xe máy chở đồ vật cồng kềnh chạy ngược chiều, cháu nép vào bên lề đường để tránh, nhưng chẳng may, đây là mé đất ven sông rất mềm nên cháu bị ngã sụp xuống hố tro trấu đang cháy của một cơ sở xay xát gạo bên đường”.
Khi té xuống bé tự tìm cách vùng vẫy để thoát lên. Sau 30 phút mới leo lên đường và được một số trẻ chơi xung quanh phát hiện, chạy về báo cho người nhà. Ngay lập tức Tài được đưa vào bệnh viện Sa Đéc để cấp cứu mà người thân quên không sơ cứu vết bỏng. Một ngày nằm viện tại đây, tình hình của Tài trở nặng, được bác sĩ chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1.
Bác sĩ Phan Vũ Bảo, quyền trưởng khoa Phỏng tạo hình bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Bé Tài nhập viện trong tình trạng sốc bỏng nặng. Hai chân bị cháy, các đầu ngón chân cháy đen. Chúng tôi nhận định khả năng giữ được ngón chân là rất ít. Nhiễm trùng vết bỏng nặng, khả năng nhiễm trùng huyết và phải cắt bỏ chi để cứu sống bệnh nhân”. Bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành thực hiện các ca mổ chắt lọc phần mô hoại tử, tuy nhiên mỗi lần mổ thì bệnh nhân sốt cao, ca mổ phải hoãn. Phải sau 8 ngày nhập viện, ca mổ chắt lọc đầu tiên mới được thực hiện. Sau 2 tháng điều trị, bệnh viện đã tiến hành tổng cộng 4 lần mổ, chắt lọc các mô hoại tử, loại bỏ một phần ngón 2 và 3 trên chân phải của bệnh nhân.
Vết bỏng nhiễm trùng được điều trị phối hợp với kháng sinh mạnh và thay băng mỗi ngày. Hiện nay, vết bỏng không còn đe dọa tính mạng cháu Tài. May mắn, sau khi nhập viện điều trị, đến nay 2 chân tài vẫn cử động được và không phải cắt bỏ các ngón chân. Tuy nhiên, bác sĩ Bảo cho biết, sau khi xuất viện Tài cần phải tập vật lý trị liệu để tập vận động trở lại..
Theo các bác sĩ, trường hợp của bé, nếu được sơ cứu như dội nước sạch để làm mát vết bỏng thì sẽ giảm nhẹ ảnh hưởng. Đối với trường hợp bỏng tro, thì các bậc phụ huynh lưu ý cần phải sơ cứu cho con bằng cách lập tức dội sạch vết bỏng bằng nước lạnh, giữ ấm cơ thể bé sau đó bọc kín bằng khăn sạch để tránh nhiễm trùng, bụi bẩn để đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ Bảo cảnh báo, đốt tro trấu thành những ụ, hố lớn là những cái bẫy nguy hiểm cho trẻ em. Khi bị rơi vào đống trấu đang cháy âm ỉ, thì trẻ càng vùng vẫy để thoát khỏi thì tạo điều kiện lửa bùng cháy to hơn do ô-xi được khuếch tán vào trong. Ngoài ra, lớp mùn tro đốt cháy, bám vào thớ thịt gây ra tình trạng nhiễm trùng kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.