(HNM) - Người Việt Nam dù ở đâu cũng luôn mong chờ được đoàn tụ bên gia đình trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đây là dịp để mỗi người cùng nhìn lại thành quả một năm lao động, làm việc vất vả và cùng cầu chúc cho một năm mới bình an, thịnh vượng hơn. Có từ ngàn đời nay, mỗi dịp Tết là một dịp để người Việt trao truyền cho nhau, cùng nhau nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Không phải ngẫu nhiên, cứ đến cận Tết là người người cũng vội vã hơn, phố phường cũng nhộn nhịp hẳn lên. Trong cái sự vội vã cho "Tết cả" ấy, điều đáng trân quý là nhiều phong tục cổ truyền đón Tết vẫn vẹn nguyên. Ở mỗi gia đình, vẫn không quên sắm cành đào, cây quất; vẫn quây quần bên nhau để gói bánh, trông lửa cho nồi bánh chưng... Nhiều người vẫn giữ thói quen rất đẹp trong ngày Tết như: Đi xin chữ đầu Xuân hoặc treo câu đối đỏ, lì xì lấy may, cắm cây nêu…
Giữa thời đại internet, mạng xã hội có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, chơi Tết, ăn Tết, chúc Tết… đã có phần thay đổi, nhất là với giới trẻ. Tuy vậy, với nhiều tầng ý nghĩa đẹp đẽ, nghĩa tình và thiêng liêng, dù trong hoàn cảnh nào thì giá trị của Tết cổ truyền vẫn phải được trao truyền, phát huy tốt hơn. Trước hết, đó chính là phát huy những giá trị truyền thống của Tết Nguyên đán. Những nét đẹp xưa nay vẫn nên giữ như nếp “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, để tỏ lòng biết ơn quê nội, quê ngoại và người thầy dạy mình nên người. Hay như phong tục xin chữ, khai bút đầu Xuân để nhắc nhớ mỗi người luôn trọng chữ, hiếu học. Rồi tục chúc thọ người cao tuổi, lì xì cho trẻ em, xông đất đầu năm; mở phiên chợ Tết… đều là những nét văn hóa đặc sắc cần giữ gìn trong nhịp sống hiện đại...
Bên cạnh đó, những giá trị tốt đẹp, nhân văn của Tết Nguyên đán trong cộng đồng cũng nên được trao truyền qua những việc làm thiết thực, chăm lo cho đời sống nhân dân và cộng đồng. Những năm gần đây, cứ đến dịp Tết, rất nhiều việc làm ấm áp nghĩa tình được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện để giúp mọi người, mọi nhà đều có Tết. Đó là những chuyến xe nghĩa tình đưa sinh viên, người bệnh về quê ăn Tết miễn phí; đó là những phiên chợ 0 đồng cho người nghèo; đó là những món quà nhân ái mang đến tận giường người bệnh... Các cấp chính quyền, đoàn thể ở khắp mọi miền Tổ quốc đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn... để toàn dân được đón Tết trong yên vui, đủ đầy. Không ai bị bỏ quên, không ai là không có Tết, và như thế Tết chính là dịp sẻ chia mà lớn hơn cả là sẻ chia tình cảm, là "mình vì mọi người"; là muốn may mắn, hạnh phúc đến với mình thì phải biết đồng cảm với những cảnh đời khốn khó, những cảnh người vất vả, cơ hàn. Thế mới là hợp với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương" của truyền thống Việt ngàn đời nay.
Trao truyền những giá trị đẹp của Tết cổ truyền, nhân dịp Tết cổ truyền để cổ vũ, khuyến khích, lan tỏa những công việc, hành động mang ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn thì Tết chính là dịp để mỗi người tự xét soi lại mình, tự hoàn thiện mình, đồng cảm và chia sẻ với cộng đồng và xã hội. Và như thế, văn hóa Việt càng được vun bồi, càng trở nên sâu dày hơn để luôn là nền móng vững chắc cho các thế hệ tương lai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.