Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh ''vòng xoáy'' tăng giá

Thiện Mỹ| 23/02/2022 06:16

(HNM) - Đúng như dự báo, ngày 21-2, giá xăng, dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, kéo theo những cơn “bão giá” có khả năng sẽ hình thành ngay trong ngắn hạn. Điều này đang bào mòn sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19 và khiến nguy cơ lạm phát ngày càng rõ nét.

Thực tế, ngay từ năm 2021, hàng loạt mặt hàng đã tăng giá, ngoài lý do chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh thì còn nguyên nhân từ việc giá xăng, dầu tăng. Một chuỗi yếu tố bất lợi đã làm rất nhiều mặt hàng thiết lập mặt bằng giá mới, từ thực phẩm tiêu dùng hằng ngày như rau, gạo, thịt, cá..., đến những nguyên vật liệu đầu vào sản xuất... Thực tế này đang gia tăng áp lực rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng.

Trước nguy cơ đó, Chính phủ đã liên tiếp có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt liên quan đến việc ổn định giá xăng, dầu và kìm chế mức đội giá của hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đầu vào sản xuất và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, một số bộ, ngành cũng đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng, dầu, không để xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá, góp phần ổn định thị trường...

Dù ở tầm vĩ mô, nhiều giải pháp đã được chỉ rõ và đang được triển khai mạnh mẽ, song lạm phát chỉ được khống chế thành công nếu có giải pháp đúng, trúng và sát thực tiễn.

Theo đó, trước mắt, cần tìm mọi cách để kìm chế đà tăng giá của mặt hàng xăng, dầu. Bên cạnh việc triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ thì các bộ, ngành liên quan cần linh hoạt hơn nữa trong điều hành giá xăng, dầu. Đã có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải đợi đúng chu kỳ điều hành 10 ngày theo quy định, mà tùy thuộc vào tình hình thực tế để điều chỉnh hợp lý hơn, tránh những “bước giá” lớn, gây sốc và làm méo mó giá thị trường... Bên cạnh đó, cần xem xét các yếu tố cấu thành nên giá xăng, dầu để có sự điều chỉnh, giảm thêm nữa những yếu tố còn cho phép để giữ mức giá hài hòa.

Từ thực tế đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu thời gian qua do đại dịch và sự tác động tiêu cực từ những bất ổn lớn về chính trị trên thế giới cho thấy, quy định về vấn đề lượng dự trữ nguồn cung xăng, dầu cần được nghiên cứu với quy mô lớn hơn. Nguồn dự trữ này phải đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế trong thời gian dài hơn để bảo đảm an ninh năng lượng bền vững.

Bên cạnh đó, để các mặt hàng khác không bị kéo vào “vòng xoáy” tăng giá, các bộ, ngành, địa phương cần điều hành linh hoạt, đồng bộ công cụ chính sách tiền tệ. Ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp tăng giá bất hợp pháp thì cần thông tin minh bạch, kịp thời về tình hình giá cả trong nước, thế giới cũng như dự báo nguy cơ lạm phát trong ngắn hạn, dài hạn để ổn định tâm lý, không gây hoang mang, dao động trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Kết hợp với những giải pháp vĩ mô nêu trên, một việc rất thiết thực với mỗi doanh nghiệp là tìm giải pháp để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các khoản chi liên quan đến xăng, dầu; chủ động thay đổi phương thức sản xuất, vận tải; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu trong nước... để giảm chi phí sản xuất.

Giá xăng, dầu được dự báo tiếp tục bất lợi, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp..., đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực về lạm phát. Do đó, chỉ khi các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả, nền kinh tế mới phát triển ổn định và giữ được mức tăng lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh ''vòng xoáy'' tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.