(HNM) - Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và hứa hẹn tạo đà khởi sắc trong năm tới. Vấn đề đặt ra là cần thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần khai thác cơ hội, tranh thủ thời gian để nâng cao cả số lượng và chất lượng trong thu hút, sử dụng dòng vốn này…
Trong 9 tháng qua, tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do số vốn đăng ký cấp mới giảm. Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đó là mức chấp nhận được và hợp lý trong bối cảnh bất lợi, nhiều đối tác lớn, giàu tiềm năng đang rơi vào tình trạng khó khăn dẫn đến suy giảm đầu tư trên toàn cầu.
Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân tại Việt Nam trong 9 tháng đạt tới 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Đây là số vốn thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm gần đây. Tỷ lệ vốn nước ngoài thực hiện trên vốn đăng ký trong cả giai đoạn 2018-2022 cho thấy xu hướng rất tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong 9 tháng đạt tới 82,3% - kết quả cao kỷ lục từ trước đến nay.
Về nguyên tắc, vốn giải ngân mới chính là thước đo chuẩn xác, để đánh giá mức độ “mặn mà” của giới đầu tư quốc tế khi đầu tư ra nước ngoài. Nó thể hiện sự quyết tâm hay quan ngại của họ cũng như là chỉ dấu đầu vào cho xu hướng và quyết định tiếp theo của giới đầu tư thời gian sau đó.
Xét về tổng thể, sự linh hoạt, thân thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như chủ động tận dụng cơ hội, thời gian để hấp dẫn dòng vốn ngoại của Việt Nam đang thu về những kết quả tích cực. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, kết quả giải ngân tốt chính là sự khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam; hướng tới tiếp tục mở rộng đầu tư trong tương lai gần. Nhìn chung, giới đầu tư đánh giá cao khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch Covid-19...
Đáng lưu ý là, từ năm ngoái đến nay, tình hình kinh tế thế giới rơi vào bất ổn, dẫn đến sự đứt gãy cục bộ của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như suy giảm tăng trưởng nói chung. Trong tình huống đó, Việt Nam càng nổi lên như một vị trí thay thế quan trọng và hơn thế là điểm sản xuất mới của giới doanh nghiệp toàn cầu. Điều đó lý giải vì sao khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9-2022 cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh vì mục tiêu lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.
Đặc biệt, ngày càng nhiều nhà đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, điện tử - bán dẫn chọn Việt Nam là điểm đến, để triển khai những dự án mới. Đơn cử, Samsung với kế hoạch đầu tư thêm 3,3 tỷ USD, bên cạnh các kế hoạch trị giá từ vài trăm triệu USD trở lên của những tên tuổi trong "làng" công nghệ cao chuyên sản xuất và cung ứng linh kiện cho iPhone của Apple như Foxconn, Intel, Goertek…
Sự quyết tâm, định hướng của Chính phủ đang thu được niềm tin của giới đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao và đưa vào sản xuất đại trà. Theo đó, sự có mặt của những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại sẽ kéo theo hoạt động chuyển giao công nghệ, đối tác cung ứng nội địa… và làm doanh nghiệp nội lớn mạnh hơn. Điều này cho phép cải thiện sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng của nền kinh tế cũng như thu về hiệu quả, đẳng cấp của sản phẩm và doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.