(HNM) - Năm 2017, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã xây dựng, trình Chính phủ 100% văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực trong năm...
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, số văn bản nợ đọng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn khá nhiều, nhất là của các bộ, cơ quan ngang bộ. Cụ thể là Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại, quy định chi tiết Luật Ngân sách nhà nước có hiệu lực ngày 1-1-2017; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, quy định chi tiết Luật Trẻ em có hiệu lực ngày 1-6-2017 và 13 thông tư khác.
Việc nợ đọng văn bản gây khó khăn trong quá trình quản lý và gây lãng phí lớn. Thực tế đã có những nội dung quy định bỏ trống kéo dài, như: Thông tư về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự… Thứ nữa, văn bản nợ nếu không được kiểm tra, xử lý kịp thời, có thể làm suy giảm hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội, tạo kẽ hở và cơ hội cho vi phạm khác phát sinh.
Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, thúc đẩy việc ban hành văn bản hướng dẫn; công khai cơ quan làm tốt, chưa làm tốt. Trường hợp chưa thống nhất về quan điểm, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ động tổ chức họp để xử lý xung đột giữa các bộ. Theo hướng này, từ tháng 9-2017, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn đã giảm đáng kể. Cuối năm 2017 đã chấm dứt nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp trong năm 2017.
Dù đạt kết quả đáng khích lệ, nhưng theo luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nếu chỉ tăng cường kiểm tra mà không có giải pháp khắc phục căn cơ những lỗ hổng cơ chế làm kéo dài thời gian soạn thảo văn bản ở tầm luật, rất có thể tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư sẽ tái diễn. Cụ thể, Khoản 2, Điều 19 luật này và Khoản 3, Điều 4 Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải đánh giá tác động chính sách đối với nghị định quy định các biện pháp thi hành luật. Thực tế triển khai cho thấy, quy định này chưa phù hợp với trường hợp nghị định quy định các biện pháp thi hành luật không quy định thêm chính sách mới nào so với luật. Bởi lẽ, khi xây dựng luật, báo cáo đánh giá tác động chính sách đã tiến hành đánh giá từng chính sách trong dự thảo luật. Do đó, nếu nghị định chỉ quy định các biện pháp thi hành cụ thể của luật mà không có thêm chính sách mới thì không cần thiết đánh giá lại. Việc quy định như vậy vừa gây mất thời gian, vừa tốn chi phí xây dựng, trong khi phân bổ kinh phí xây dựng nghị định cao nhất là 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra của Bộ Tư pháp trong năm 2017 cũng cho thấy, có tới 371 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Đây là con số không nhỏ trong thực thi pháp luật, chỉ đạo, điều hành, cần có giải pháp thống nhất quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định chi tiết việc phối hợp xây dựng các thông tư có liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Ở góc độ khác, cử tri Nguyễn Thị Huyền, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho rằng, tại Việt Nam, việc soạn thảo dự luật được các bộ, ngành tự tiến hành nên khó tránh khỏi lỗi kỹ thuật pháp lý, lỗi ngôn ngữ, chưa nói đến việc có ảnh hưởng của lợi ích cục bộ. Sau khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua, kèm theo đó phải có văn bản hướng dẫn để luật đi vào cuộc sống. Do đó, việc cần làm là tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành luật bằng việc đổi mới tư duy, đổi mới hơn nữa quy trình làm luật... Như vậy, sẽ không cần nhiều văn bản hướng dẫn và tình trạng nợ văn bản sẽ chấm dứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.