Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Tư pháp kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản

Hà Phong| 19/12/2022 19:06

(HNMO) - Chiều 19-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2022, toàn ngành đã tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy; tích cực, chủ động tham gia quá trình xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tham gia xây dựng các văn bản của Đảng về phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Ngoài các phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức 7 phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật.

Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Đáng chú ý, chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao, tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp đã thẩm định 283 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định gần 5.000 dự thảo và trên 2.800 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định.

Với 81,85% số vụ việc hòa giải thành, công tác hòa giải ở cơ sở đã giúp giải quyết nhiều tranh chấp, mâu thuẫn, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trình bày chuyên đề về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và giải pháp thực hiện... Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về các kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác tư pháp, thi hành án dân sự, pháp chế; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thu hồi tài sản tham nhũng; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, nhất là bộ máy hành chính nhà nước, phân cấp, phân quyền và tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần nâng cao hơn nữa công tác tư pháp trong thời gian tới.

Hội nghị thống nhất, năm 2023 được coi là năm bản lề tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh chung của cả nước, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp sẽ chủ động tham mưu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Chỉ thị số 04-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao…

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp ngành Tư pháp đề ra và yêu cầu, năm 2023 ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhấn mạnh quá trình triển khai thể chế phải đi trước một bước, bảo đảm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị ngành Tư pháp cần tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, thi hành pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý ứng phó với các vấn đề mới phát sinh trong quá trình điều hành, phát triển kinh tế - xã hội. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Kịp thời rà soát những điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung, kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản, xứng đáng với vai trò, vị trí là cơ quan “gác cổng” pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhạy cảm, phức tạp.

“Với truyền thống vẻ vang, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, chủ động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tin tưởng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành Tư pháp kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.