Lương - Bảo hiểm

Mất “giá đỡ” an sinh xã hội từ nợ đọng bảo hiểm

Kim Vũ 12/01/2024 08:59

Tính riêng ở Hà Nội, đến đầu năm 2024, khoảng 640.000 người lao động tại 53.000 doanh nghiệp chịu thiệt thòi do bị nợ bảo hiểm xã hội, với số tiền hơn 4.260 tỷ đồng.

Trong đó có 25 doanh nghiệp, đơn vị nợ từ 10 tỷ đồng trở lên, nợ cao nhất là 60 tỷ đồng, số tháng nợ nhiều nhất là 193 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn lao động đang bị mất đi “giá đỡ” an sinh xã hội như tiền chi trả ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao động... Cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi cái Tết cận kề.

no-bhxh.jpg
Giải quyết thủ tục cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội.

Người lao động "thiệt đơn thiệt kép"

Mất đi “giá đỡ” an sinh đầu tiên chính là vì không được đóng bảo hiểm y tế nên dù có ốm đau bệnh tật, người lao động phải chi trả 100% viện phí. Nhiều lao động "ngậm đắng nuốt cay" khi tiền thai sản, trợ cấp thất nghiệp mất trắng, cũng không thể bỏ tiền túi để mua thẻ bảo hiểm y tế khi vẫn làm việc tại đơn vị, doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thoan, công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) cho biết, tháng 12-2023 vừa qua, phải điều trị tại viện 10 ngày mà không được hỗ trợ bởi không có thẻ bảo hiểm y tế do công ty nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.

Anh Trương Văn Bình, từng làm việc tại Công ty Thi công cơ giới I - Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, cũng chịu nhiều thiệt thòi trong hành trình 5 năm đòi hỏi công bằng, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Anh Bình làm việc tại công ty từ tháng 9-2011, tháng 3-2018 nghỉ việc. Nhưng công ty chỉ đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 3-2017. Công ty này đang nợ hơn 17 tỷ đồng trong 82 tháng nên nhiều người lao động không được chốt sổ bảo hiểm xã hội. Dù nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan liên quan nhưng anh Trương Văn Bình vẫn chưa được giải quyết quyền lợi.

Nhiều lao động làm việc tại Công ty cổ phần LISOHAKA (quận Nam Từ Liêm) cũng điêu đứng khi doanh nghiệp này nợ bảo hiểm xã hội tới 193 tháng. Có nghĩa là hơn 16 năm qua, người lao động mất quyền lợi. Dẫn đầu danh sách "nợ xấu" là Công ty cổ phần Anh ngữ APAX với số tiền lên đến 57 tỷ đồng, 46 tháng nợ; Công ty cổ phần LILAMA3 (quận Bắc Từ Liêm) cũng nợ tới 45 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu 12 (quận Long Biên) nợ hơn 29 tỷ đồng; 10 doanh nghiệp nợ tới 20-30 tỷ đồng...

Quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động đang bị treo lơ lửng. Tết cận kề, cuộc sống của họ trở nên bấp bênh khi “giá đỡ” an sinh đã mất.

"Thuốc" nào cho "bệnh trầm kha"?

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động là có xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật, tức là lao động phải được Bảo hiểm xã hội Hà Nội chốt sổ để có căn cứ tính tiền chi trả thất nghiệp. Hiện tại có tình trạng nhiều người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng thất vọng ra về do đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, không đủ điều kiện chốt sổ.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) Dương Thị Minh Châu khẳng định, người lao động thất nghiệp tại đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội không đủ điều kiện để chốt sổ bảo hiểm xã hội nên mất hoàn toàn trợ cấp thất nghiệp. Việc nợ bảo hiểm xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Quy định được phép tách đóng bảo hiểm xã hội cho lao động để hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí... là giải pháp gỡ khó.

Tuy nhiên, thực tế, các đơn vị, doanh nghiệp đều không tách đóng cho người lao động hưởng quyền lợi ngắn hạn như ốm đau, thai sản, thất nghiệp... Mặc dù nhiều lao động chấp nhận bỏ tiền túi tách đóng bảo hiểm xã hội nhưng quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đóng cho lao động nên hầu như không giải quyết được. Đây chính là vướng mắc giữa 3 bên, đang khó tháo gỡ.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện còn khoảng 125.000 người lao động bị nợ nhưng chưa có giải pháp. Các cơ quan chức năng đề xuất 2 hướng giải quyết cho người lao động là: Lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, các đề xuất này hiện chưa được phê duyệt.

Trong thời gian này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên đôn đốc, gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội về chủ doanh nghiệp; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp; chuyển hồ sơ khởi kiện các đơn vị chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội… Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấm xuất cảnh với đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Mặc dù các cơ quan, đơn vị đã, đang nỗ lực đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, song nợ bảo hiểm vẫn là câu chuyện dài, người lao động vẫn phải gánh chịu thiệt thòi. Đã đến lúc “căn bệnh” khó chữa này phải được giải quyết một cách triệt để.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mất “giá đỡ” an sinh xã hội từ nợ đọng bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.