Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh “cha chung không ai khóc”

Đào Huyền| 09/04/2014 06:22

(HNM) - Thực tế triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở địa phương không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho rằng, đặc thù sản xuất RAT là phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng các loại thuốc BVTV; thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc và thu hoạch cũng có những quy định rất rõ ràng. Vì vậy, triển khai Đề án sản xuất RAT, cán bộ Trạm BVTV ở các huyện phải giám sát rất chặt khâu sản xuất của các hộ. Mỗi hộ tham gia sản xuất RAT đều phải có nhật ký ghi chép cụ thể ngày bắt đầu gieo giống, ngày bón thuốc BVTV và loại thuốc bón cụ thể... Vì vậy, nếu toàn bộ khâu cung ứng giống, vật tư phân bón, phòng trừ dịch bệnh giao cho các địa phương đảm nhiệm e rằng sẽ xuất hiện những lỗ hổng trong sản xuất RAT, nhất là trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đang ngoài vòng kiểm soát như hiện nay. Để tháo gỡ khó khăn trên, thành phố đã quyết định, năm 2014 các đơn vị của ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục triển khai các đề án sản xuất tập trung nhằm bảo đảm đúng thời vụ và kế hoạch các chương trình đề ra. Đồng thời, tạo thời gian để các huyện củng cố nhân lực sẵn sàng tiếp nhận.

Đóng gói rau an toàn tại Công ty TNHH Hương Cảnh (Văn Đức, Gia Lâm).


Tuy nhiên, theo nhận định của một số địa phương, trong khoảng thời gian một năm sau, đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp huyện cũng khó đảm nhận để triển khai các mô hình. Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho rằng, cán bộ có chuyên môn về BVTV tại huyện chỉ có 1-2 người, trong khi huyện có nhiều vùng sản xuất RAT. Nếu giao cho huyện triển khai thì không thể giám sát được. Ngoài việc giám sát dịch bệnh và quy trình sản xuất thì việc triển khai xác định, quy hoạch các vùng RAT cũng cần cả hệ thống ngành dọc và chính quyền vào cuộc.

Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội: Thực hiện Đề án sản xuất RAT, từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV tiếp tục hướng dẫn, tư vấn các địa phương xây dựng các dự án RAT tập trung theo Đề án RAT thành phố. Đến hết quý I-2014, đã lập 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 2.080,9 ha; trong đó có 10/31 dự án đã được phê duyệt đầu tư và đang thi công, một số dự án đã thi công xong và bàn giao đưa vào sử dụng như: Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa... Đồng thời, chi cục rà soát, định vị được thêm 500ha RAT để tập trung quản lý, chỉ đạo, nâng tổng diện tích RAT lên 5.000ha. Hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận cho 18 vùng sản xuất RAT theo VietGAP với tổng diện tích trên 150ha; sản lượng đạt khoảng 9.500 tấn/năm (tương đương 26 tấn/ngày)... Đây là những công việc cần chuyên môn cao, cần một đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu vào cuộc, vì vậy nếu chuyển giao cho các địa phương thực hiện phải quy rõ trách nhiệm từng đơn vị để tránh tình trạng "cha chung không ai khóc".

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố sản xuất trên 40 loại rau khác nhau, năng suất trung bình đạt 19-20 tấn/ha/vụ, sản lượng rau ước đạt 570.000 tấn/năm, tương đương 1.560 tấn/ngày. 12.041ha canh tác rau như trên mới chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân Thủ đô, còn lại là do các địa phương khác đưa về. Hiện nay, mạng lưới tiêu thụ RAT của Hà Nội còn mỏng, tính đến hết tháng 3, toàn thành phố mới có hơn 80 cửa hàng (sản lượng tiêu thụ trung bình 50-120 kg/cửa hàng/ngày) và khoảng 180 điểm bán của các siêu thị có bán RAT, sản lượng tiêu thụ trung bình 80-200kg/siêu thị/ngày. Đây còn là con số rất nhỏ so với lượng RAT sản xuất ra. Hiện nay, hầu hết các vùng RAT vẫn đang tự tìm đầu ra cho sản phẩm, việc sản xuất không được định hướng theo nhu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh “cha chung không ai khóc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.