(HNM) - TP Hồ Chí Minh có 6 xã (trong đó có xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) thực hiện mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, mô hình này dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều trăn trở.
Nuôi bò sữa ổn định đầu ra và có lãi nhưng vốn đầu tư lại lớn. |
Ông Thái Quốc Dân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, 6 xã thí điểm trên đã đạt được các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất. Về thu nhập, nếu so với năm 2009, năm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đã tăng 172,5% nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi kém hiệu quả sang các cây - con hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, doanh thu bình quân 1ha đất sản xuất năm 2009 là 138,5 triệu đồng, năm 2010 là 155 triệu đồng, năm 2011 là 202 triệu đồng và đến năm 2012 là 239 triệu đồng. Thu nhập bình quân đạt từ 24,9 triệu đồng đến 34,3 triệu đồng/người/năm (tăng 1,66-1,94 lần so với khi xây dựng đề án vào cuối năm 2009). Các xã điểm này cũng không còn hộ nghèo nếu so với mức quy định của trung ương (4,8 triệu đồng/người/năm); còn nếu so với chuẩn nghèo của TP (12 triệu đồng/người/năm) thì số hộ nghèo còn gần 800 hộ. Hiện đã có 681 doanh nghiệp đầu tư về các xã điểm, tăng hơn 1,6 lần so với khi xây dựng đề án (418 doanh nghiệp), tập trung vào các lĩnh vực điện cơ, may mặc… thu hút gần 90% lao động tại các xã này. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đất lúa kém hiệu quả đã được chuyển dần sang các cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao như rau an toàn, hoa lan, nấm, bò sữa… Rất nhiều hộ nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả như hộ anh Huỳnh Văn Hùng (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) trồng hơn 10.000m2 lan Derobium và Mokara cắt cành, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tuần; các hộ nuôi cá cảnh ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), chăn nuôi bò sữa (Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn)... đều có thu nhập cao so với trước kia.
Dù vậy, theo Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của TP, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn phổ biến nên việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đã hình thành từ lâu nhưng quy mô xã viên còn nhỏ, các hoạt động "đầu ra đầu vào" chưa đủ mạnh để tạo niềm tin cho xã viên tham gia. Bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP cho biết, hiện TP đang có hơn 50 hợp tác xã, nhưng đếm số hoạt động hiệu quả thì chỉ trên đầu ngón tay.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cần phải thay đổi, thực hiện một mô hình sản xuất chuẩn trên địa bàn, gắn người sản xuất chặt chẽ trong chuỗi giá trị sản phẩm để nâng giá trị sản phẩm và tránh trường hợp được mùa mất giá vẫn thường xảy ra. Ông Phú ví dụ, huyện Củ Chi có truyền thống nuôi bò sữa, với riêng xã Thái Mỹ đã có đến 12.000 - 13.000 con, cung cấp một lượng lớn sữa ra thị trường, nhưng trong khi giá ở siêu thị 30.000 - 40.000 đồng/lít thì giá sữa thu mua chỉ vài ngàn đồng, nông dân rất thiệt thòi. Còn theo bà Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ, không dễ thực hiện việc chuyển đổi nhận thức, tập quán của người dân vì đã quen canh tác truyền thống, ngại chuyển đổi. Bà Đức cho biết, cho đến nay xã chỉ mới đào tạo được 341 lao động nông nghiệp đủ trình độ chuyển sang làm lao động công nghiệp và thương mại.
Một vướng mắc rất lớn nữa là vốn. Ông Thái Quốc Dân cho rằng, những ngành nghề đầu ra ổn định và có lãi (bò sữa, hoa lan...) thì vốn đầu tư khá lớn. Còn những mô hình vốn đầu tư thấp nhưng thu hồi vốn nhanh như rau, củ… thì thị trường đầu ra lại không ổn định. Đây cũng là cái khó để nhân rộng mô hình sản xuất, tiến tới xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.