Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tràn lan vi phạm, chính quyền thờ ơ

Thúy Nga| 29/10/2012 07:38

(HNM) - Dư luận rất bức xúc trước tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, đặc biệt là hoạt động khai thác cát sỏi trên các tuyến sông gây nhiều tác hại lớn. Mặc dù vi phạm rõ mười mươi, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, đe dọa an toàn đê điều..., song việc xử lý của các cấp chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt.

Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đang xảy ra ở nhiều địa phương. Ảnh: Bảo Lâm


Nhức nhối vi phạm

Huyện Từ Liêm là một điểm nóng vi phạm trong việc khai thác, sử dụng bến, bãi làm nơi trung chuyển, kinh doanh cát sỏi. Lợi dụng sự buông lỏng trong hoạt động cấp phép bến thủy nội địa, nhiều tổ chức, cá nhân bung ra mở bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng rất tùy tiện. Có địa phương còn cho thuê một phần đất nông nghiệp để làm bến bãi. Một số cơ sở ẩn nấp dưới dạng liên doanh liên kết, ký kết các hợp đồng cho thuê đất ven sông để kinh doanh vật liệu xây dựng. Thậm chí, nhiều tổ chức, cá nhân không thực hiện các thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường, mua bán, tiêu thụ cát đen không rõ nguồn gốc, tiếp tay cho nạn khai thác cát trái phép ngày càng phổ biến trên sông Hồng.

Việc ký hợp đồng thuê đất với cấp thẩm quyền không được thực hiện nghiêm túc. Toàn huyện có 48 tổ chức, hộ cá thể đang khai thác, kinh doanh cát sỏi ven sông Hồng, nhưng chỉ có 6 đơn vị có hợp đồng thuê đất hằng năm với Sở Tài nguyên và Môi trường, 7 đơn vị có hợp đồng thuê đất với chính quyền địa phương, 14 hợp đồng liên doanh liên kết với các tổ chức có đất, ba đơn vị có quyết định của UBND TP cho phép làm bãi trung chuyển nhưng không có hợp đồng thuê đất, 13 đơn vị không có hợp đồng thuê đất.

Không riêng Từ Liêm, tình trạng buông lỏng quản lý sử dụng đất đai, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đang xảy ra ở nhiều địa phương như huyện Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ... Huyện Thường Tín có 24 tổ chức, cá nhân mở bến bãi khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng chỉ có 4 cơ sở có hợp đồng thuê đất. Phần lớn các bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm trong hành lang thoát lũ. Nhức nhối nhất là tình trạng hút cát trái phép trên sông Hồng. Cơ quan chức năng của huyện nhiều lần tổ chức phục bắt nhưng khi phát hiện, các chủ tàu hút cát trái phép đã bỏ chạy sang địa phận tỉnh Hưng Yên.

Thiếu chế tài xử lý

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hoạt động của các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng và hút cát trái phép rất lộn xộn, vi phạm các quy định quản lý nhà nước về đất đai. Tại bốn xã Trung Châu, Thọ An, Liên Trung, Hồng Hà của huyện Đan Phượng có 9 bãi trung chuyển khai thác cát sử dụng trái phép tới 63.000m2 đất. Tương tự, các bãi cát ở huyện Đông Anh sử dụng trái phép 68.600m2, Gia Lâm 73.200m2, Phúc Thọ 5.700m2, Sóc Sơn 18.100m2, Thường Tín 52.000m2, Phú Xuyên 137.800m2, quận Long Biên 35.900m2, Hoàng Mai 381.300m2. Diện tích đất sử dụng trái phép thuộc quỹ đất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp do UBND xã, phường quản lý, ký hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân thuê thầu để kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội lo ngại nạn hút cát trái phép gây sạt lở đê điều và ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên hệ thống đê Hà Nội xuất hiện 28 sự cố sạt lở ở 41 vị trí khác nhau trên các tuyến đê, trong đó đê sông Hồng có 14 sự cố. Nhiều tuyến đê xuất hiện những hàm ếch, nguyên nhân do nạn đào, hút cát bừa bãi nhiều năm qua gây ra.

Việc khai thác cát trái phép tràn lan, thiếu kiểm soát đã làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm nguồn nước, thay đổi dòng chảy, xói lở bờ, hạ thấp mực nước hạ lưu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các công trình đê kè hai bên bờ. Vì vậy, cần phải quản lý chặt chẽ, có chế tài xử lý triệt để, quy kết trách nhiệm, giao nhiệm vụ cho các địa phương nếu buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động tài nguyên khoáng sản, kiên quyết đình chỉ các đơn vị hoạt động không phép, sai phép hoặc không thực hiện đầy đủ quy định trong giấy phép.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo số 263/TB-UBND truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tổng điều tra thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản; làm rõ các vi phạm không phép, trái phép, sai phép... phân loại đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan vi phạm, chính quyền thờ ơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.