(HNM) - “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười, tháng Ba”. Cứ đến dịp này, lời nhắn nhủ từ ngàn xưa lại thôi thúc hàng triệu người con nước Việt tìm về đất Tổ, dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai sơn, trị thủy, gìn giữ sơn hà.
Hội thi giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng 2018. Ảnh: Thanh Tùng |
Linh thiêng nguồn cội
Nhộp nhịp, náo nức là không khí tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) trong những ngày này. Năm nay, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng diễn ra trong tiết trời dễ chịu, nắng nhẹ, gió chan hòa khiến hoạt động hành hương về đất Tổ của bà con cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài càng thêm thuận lợi. Ngay từ cửa ngõ “thành phố ngã ba sông” Việt Trì, không khí lễ hội đã tưng bừng với cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn, khẩu hiệu… chào đón du khách. Lực lượng bảo đảm an ninh, hỗ trợ nhân dân tham gia lễ hội túc trực dọc Đại lộ Hùng Vương, trải dài hàng chục cây số từ cầu Việt Trì tới khu trung tâm di tích, cho thấy tính chuyên nghiệp, bài bản trong khâu quản lý, tổ chức của địa phương.
Từ khắp các ngả đường, dòng người liên tục đổ về, khu vực trung tâm lễ hội nườm nượp du khách. Tuy nhiên, khác với những gì thường thấy ở các lễ hội gần đây, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, hóa vàng, xả rác bừa bãi… không còn xuất hiện. Từng đoàn người đi với tâm trạng thỏa nguyện. Điều này chỉ có thể lý giải bởi nguyên do sâu xa trong tâm khảm mỗi người, trở về đất Tổ là được trở về với cội nguồn dân tộc, cùng tình máu mủ ruột rà, nơi khởi nguồn của hai tiếng “Đồng bào” thiêng liêng, gần gũi.
Không nhớ đã bao lần hành hương về đất Tổ nhưng bà Nguyễn Thị Hận, 75 tuổi, ở Yên Trung, Việt Hòa, Khoái Châu (Hưng Yên) vẫn thấy nôn nao như lần đầu. Bà nói: “Từ mờ sáng tôi đã gia nhập đoàn của làng về đền Hùng. Cả đêm khấp khởi không ngủ được, đi bộ hàng cây số, lên xuống hàng nghìn bậc đá để vào các điểm dâng hương nhưng mọi người đều không thấy mệt. Có lẽ cảm giác phấn chấn do thỏa nguyện mong ước về nguồn đã giúp chúng tôi quên mệt nhọc”.
Cũng như bà Nguyễn Thị Hận, chị Lê Thu Hương - định cư tại thành phố Jihlava (Cộng hòa Séc) - không giấu nổi niềm xúc động: “Ấp ủ nhiều năm rồi nay mình mới đưa được các con về đây, giúp các cháu hình dung rõ hơn về hình tượng Vua Hùng với bao truyền thuyết, huyền tích, cảm nhận sâu sắc hơn về cội nguồn đất nước linh thiêng mà gần gũi, để rồi sau này có đi đâu cũng biết tổ tông, nguồn cội mà tìm về”.
“Nơi bắt đầu của mọi bắt đầu…”
Hôm nay, mùng 10 tháng Ba (tức ngày 25-4), chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Với những người con sinh ra và lớn lên dưới mái nhà chung đất Việt, không ai không một lần được nghe về truyền thuyết con Lạc, cháu Hồng và thời đại Hùng Vương lừng lẫy. Dấu tích từ thuở hồng hoang, qua hàng nghìn năm nay còn hiện hữu qua khối di tích, di vật đồ sộ cùng vốn di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là cơ hội để mọi người dân đất Việt “chạm” vào quá khứ kỳ vĩ nhờ những di sản văn hóa, lịch sử vô giá này. Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích đền Hùng Nguyễn Duy Anh cho biết: Để giúp nhân dân có thêm cơ hội tìm hiểu về cội nguồn, năm nay, Ban Tổ chức lễ hội đền Hùng lên kế hoạch trưng bày hiện vật khảo cổ về thời đại Hùng Vương và sự hình thành nhà nước Văn Lang; triển lãm tư liệu, hiện vật về chủ đề “Lễ hội, tín ngưỡng vùng đất Tổ”. Nhằm nhấn mạnh giá trị ngàn đời của cây lúa nước, làm sống lại truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy, Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng tiếp tục được duy trì. Các địa phương quanh vùng vẫn thực hiện nghi lễ rước kiệu lên đền theo đúng nghi thức truyền thống.
Chuỗi hoạt động trong khuôn khổ lễ hội đền Hùng 2018 còn có chương trình biểu diễn, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - hát xoan Phú Thọ, hội trại văn hóa, hội thi bơi thuyền và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống khác. Thanh âm hát xoan vang lên trong khuôn viên di tích cổ xưa, như miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái…, đi vào lòng người bằng lối diễn mộc mạc, giản dị như vốn có.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Đền Hùng năm 2018 Hà Kế San nhấn mạnh: “Các hoạt động tại lễ hội Đền Hùng không chỉ là minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa vùng đất Tổ, mà còn giúp đồng bào thêm tự hào về nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng, tìm thấy ở đó gốc rễ bền chặt làm nên giá trị trường tồn của dân tộc”.
Về với đất Tổ những ngày này, chứng kiến sự gắn kết giữa người với người mới có thể thấu hiểu “nghĩa đồng bào” và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Mới hiểu thêm vì sao trong suốt chiều dài lịch sử, lớp lớp người dân đất Việt sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ giang sơn gấm vóc mà cha ông đã gây dựng.
Dịp Giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng, vì thế, là thời điểm mỗi người lắng lại trong đồng vọng ngàn xưa, nhận biết nét son lịch sử chói lọi và dự cảm tốt đẹp về chặng đường phía trước. Đó chính là sức mạnh, niềm tin mà mỗi người có thể tìm thấy từ mảnh đất cội nguồn dân tộc - “Nơi bắt đầu của mọi bắt đầu. Bắt đầu của trời, bắt đầu của đất. Bắt đầu của tình yêu thứ nhất. Bắt đầu ngọn lửa viết tình ca”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.