Hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng Ba, nhân dân cả nước lại hướng về Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với tấm lòng thành kính, tri ân các vị vua Hùng, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Những năm qua, việc khai thác, phát triển sản phẩm du lịch dịp giỗ Tổ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã mang lại cho Phú Thọ nhiều khởi sắc, vừa góp phần lan tỏa hình ảnh, con người đất Tổ, vừa khẳng định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Độc đáo các sản phẩm dịp lễ
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với không gian văn hóa Lễ hội đền Hùng và các di tích liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng như các địa phương trên cả nước. Theo thống kê, cả nước hiện có 1.417 di tích thờ các vua Hùng và các tướng lĩnh, riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích. Điều này cho thấy sự gắn bó, hướng về nguồn cội của người Việt. Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng hằng năm, mọi con dân đất Việt đều mong muốn hành hương về đất Tổ để tỏ lòng thành kính, tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng - nơi thờ 18 đời vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là điểm hành hương quan trọng nhất trong hành trình đến với Phú Thọ. Ngoài trải nghiệm tham quan, chiêm bái vào ban ngày, năm nay, tỉnh cũng khôi phục “Tour đêm đền Hùng” sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách, đồng thời tạo dấu ấn cho du lịch Phú Thọ. Chia sẻ cảm nhận sau hành trình tour đêm, chị Hoàng Thị Xuân, một du khách từ Hà Nội cho biết: “Tôi đã đi đền Hùng vài lần, nhưng đây là lần thú vị nhất bởi được hành hương lên đền Thượng vào buổi tối để kính lễ các vị vua Hùng. Điều đó giúp tôi cảm nhận trọn vẹn không gian linh thiêng của di tích và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khi cả nước đều hướng về nguồn cội”.
Không gian Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng diễn ra tại nhiều điểm di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó có Khu di tích quốc gia đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) gắn với Lễ hội đình Hùng Lô được tổ chức từ mùng 9 đến 10 tháng Ba. Tham gia lễ hội, du khách được hòa mình vào lễ rước kiệu từ đình Hùng Lô về đền Hùng vào đúng ngày 10 tháng Ba. Đặc biệt, trong không gian đình cổ, du khách có dịp thưởng thức nghệ thuật hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO ghi danh, do chính dân làng biểu diễn.
Một trải nghiệm thú vị khác là tham dự nghi lễ rước nước linh thiêng, độc đáo trong Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang. Tại đây, du khách sẽ đi thuyền tới ngã ba Hạc (thành phố Việt Trì) - nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô, chứng kiến nghi thức lấy nước thiêng và rước về đền Tam Giang. Đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo, được Phú Thọ khai thác và phát triển thành một sản phẩm du lịch đặc thù.
Phát triển các sản phẩm thế mạnh
Vốn là trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, nơi các vua Hùng dựng nước Văn Lang nên Phú Thọ hiện lưu giữ hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú. Nguồn tài nguyên văn hóa này cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di tích liên quan đã được tỉnh xây dựng thành sản phẩm mang thương hiệu du lịch Phú Thọ. Trải nghiệm các tour hấp dẫn như “Hát Xoan Làng cổ”, “City tour Việt Trì”, tour Phú Thọ liên kết Tây Bắc, photo tour Đồi chè Long Cốc, Study tour Phú Thọ... du khách có dịp tìm hiểu sâu hơn về vùng đất Tổ thiêng liêng.
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, Phú Thọ tập trung phát triển bốn trung tâm du lịch trọng điểm là thành phố Việt Trì cùng các huyện: Tân Sơn, Thanh Thủy, Hạ Hòa. Tỉnh cũng xác định mục tiêu phát triển du lịch văn hóa trở thành một trong những loại hình tiêu biểu, đặc trưng của du lịch Đất Tổ gắn với thời đại Hùng Vương. Theo đó, nhiều mô hình được xây dựng nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phục vụ du lịch như mô hình tham quan làng cổ Hùng Lô gắn với hát Xoan, mô hình Khu di tích lịch sử đền Hùng gắn với Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, mô hình Khu du lịch Bạch Hạc - Bến Gót gắn với nghi lễ rước nước ở ngã ba sông...
“Trong những năm tới, chúng tôi tập trung xây dựng các sản phẩm thế mạnh như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, qua đó hình thành chuỗi sản phẩm đa dạng trải nghiệm cùng các điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch đến với tỉnh”, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ Vũ Thị Hoài Phương chia sẻ.
Nhờ sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch độc đáo, năm 2023, Phú Thọ đã đón 776.000 lượt khách lưu trú, trong đó có 8.860 lượt khách quốc tế, doanh thu dịch vụ đạt khoảng 3.365 tỷ đồng. Riêng lượng khách tham quan đến Phú Thọ và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2022. Quý I-2024, du lịch Phú Thọ đón gần 300.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến lưu trú cùng khoảng 3 triệu lượt khách tham quan.
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch vùng Đất Tổ trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ Vũ Thị Hoài Phương cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm du lịch thể thao, du lịch golf để thu hút đối tượng khách có mức chi trả cao. Đồng thời, khai thác loại hình du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Bà Phương cũng khẳng định, Phú Thọ đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cùng những sản phẩm đặc trưng, có tính cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.