(HNMCT) - Những ca khúc hay khi được chuyển ngữ không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận với bạn bè thế giới mà còn tạo thêm một lối thưởng thức mới lạ với chính khán giả trong nước. Đây là cách làm thú vị mà nhiều nghệ sĩ đã thực hiện thành công.
Nhiều ca khúc chuyển ngữ thành công
Đầu tháng 6, dự án phi lợi nhuận “Nhạc thiếu nhi song ngữ” BSK (Bilingual songs for kids) đã cho ra mắt tác phẩm “Trái đất này là của chúng mình” bản tiếng Anh. Sáng tác của nhạc sĩ Trương Quang Lục (thơ Định Hải) được giới thiệu tới các em dưới cái tên “This is our lovely Earth”, với phần phối khí theo lối acoustic, mộc mạc qua tiếng đàn guitar ấm áp của nghệ sĩ Thiện Bass và tiếng hát Nguyệt Ca. Dự án này từng giới thiệu đến công chúng nhiều bài hát thiếu nhi được chuyển ngữ sang tiếng Anh thành công như: “Cánh én tuổi thơ” (Phạm Tuyên), “Cho con” (Phạm Trọng Cầu) và “Chỉ có một trên đời” (Trương Quang Lục).
Trước đó cũng có nhiều ca khúc Việt được chuyển ngữ thành công không kém gì bản gốc. Đáng kể là ca khúc “Diễm xưa” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Diễm xưa” từng được dịch ra tiếng Nhật với tên gọi “Utsukushii mukashi”, được ca sĩ Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970. Đặc biệt, bản “Utsukushii mukashi” dưới giọng hát của Yoshimi Tendo đã được xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất của Nhật Bản năm 2004, trở thành một trong 10 bản tình ca hay nhất mọi thời đại ở Nhật Bản. Được biết, đây còn là nhạc phẩm châu Á đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của mình trong môn Văn hóa và Âm nhạc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có một số ca khúc được dịch ra nhiều thứ tiếng như: “Nối vòng tay lớn”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Ca dao mẹ”…
Cũng gặt hái thành công khi chuyển ngữ sang tiếng Nhật có thể kể đến ca khúc “Nhật ký của mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca khúc rất nổi tiếng qua giọng ca của Hiền Thục. Ca khúc này đã được nhạc sĩ Yoshimoto Kayo phổ lời Nhật và được biết đến rộng rãi ở nước này nhờ ca từ đẹp, ý nghĩa, đậm tính nhân văn.
Hiện nay, việc ra mắt cả 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh cũng là một trong những xu hướng sáng tác của các nhạc sĩ trẻ. Năm 2020, trong những ngày dịch Covid-19 có diễn biến căng thẳng, công chúng cảm thấy thú vị khi ca khúc “Ghen Cô Vy” phiên bản tiếng Anh được nhiều nước yêu thích, được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình uy tín của thế giới. Phiên bản tiếng Anh của ca khúc này ra đời sau bản gốc chỉ khoảng một tháng, đã nhanh chóng truyền đi thông điệp chống dịch dễ hiểu, mang tính quốc tế cao với giai điệu rộn ràng, trẻ trung, vũ điệu đẹp mắt. Màu sắc phiên bản tiếng Anh được đánh giá là hiện đại, hợp thị hiếu công chúng quốc tế. Hay trước đó, nhạc sĩ Thanh Bùi cũng rất nổi tiếng với những ca khúc viết bằng cả 2 thứ tiếng Việt và Anh…
Phù hợp với thời đại số
Việc chuyển ngữ ca khúc hay cho ra mắt đồng thời cả hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt đang tạo ra cho các nghệ sĩ trẻ nhiều cơ hội hơn để tiếp cận người nghe trên thế giới. Điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt trong thời đại nhạc số hiện nay khi kho nhạc và các bảng xếp hạng đã có tính toàn cầu. Bên cạnh đó là xu hướng “cover” (hát lại) ca khúc Việt nổi tiếng bằng phiên bản tiếng Anh tự đặt lời rất sôi nổi trên YouTube, có những video có số lượng người xem lên tới hàng trăm nghìn lượt. Đây vừa là kênh giải trí thú vị, vừa giúp học tiếng Anh rất hiệu quả mà nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Chị Nguyễn Tường Vân - CEO Dự án Giáo dục truyền cảm hứng cho thanh, thiếu niên Ping chia sẻ: “Việc học qua âm nhạc giúp cho các bạn trẻ mở mang kiến thức. Đặc biệt, việc chuyển ngữ các bài hát đang được yêu thích trong nước sẽ khiến các bạn cảm thấy hào hứng hơn. Ở Ping Edu, chúng tôi đang ứng dụng rất nhiều hình thức luyện tiếng Anh cho học viên qua ca nhạc, qua kịch nghệ, qua phim ảnh, qua mạng xã hội… và đã đạt được hiệu quả vượt trội so với các hình thức học truyền thống”.
Việc chuyển ngữ cũng tạo ra đời sống mới cho các tác phẩm âm nhạc cũ. Là người khởi xướng Dự án phi lợi nhuận “Nhạc thiếu nhi song ngữ” BSK, chị Nguyệt Ca, một giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội chia sẻ ý tưởng nảy sinh khi chị thu âm song ngữ Việt - Anh bài “Cho con” để tặng con trai nhân dịp sinh nhật. Khi đăng tải bài hát lên mạng, chị được rất nhiều người khích lệ, động viên. Qua tìm hiểu, chị nhận thấy có nhiều em không thích nhạc thiếu nhi bởi đa số các bài hát thu âm đã lâu, cách phối cũ… và việc chuyển ngữ, phối mới lại khiến các em thích thú. Theo chị Nguyệt Ca, những bài hát thiếu nhi song ngữ này sẽ là cách tiếp cận thú vị cho các bạn nhỏ, đặc biệt là thiếu nhi Việt Nam đang sống ở nước ngoài, để các em biết được Việt Nam cũng có những bài hát với giai điệu đẹp và dễ thương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.