(HNM) - Hôm nay là ngày 20-11, kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày hội của các thầy giáo, cô giáo, hàng chục triệu học sinh và cha mẹ học sinh.
Trong các danh nhân Việt Nam, thời nào cũng vậy, nổi bật nhất, được kính trọng nhất thường là các võ tướng và nhà giáo. Nhà giáo Việt Nam là hạt nhân của văn hóa Việt Nam, là biểu tượng của trí thức Việt Nam. Nhiều thế hệ nhà giáo ở nước ta là tấm gương đạo đức, lương tâm của nhân dân; gìn giữ kho tàng trí tuệ của nhân dân. Nhà giáo Việt Nam cũng là tầng lớp đi đầu trong các cuộc vận động xã hội, các cuộc cách mạng trí tuệ và các phong trào yêu nước. Chúng ta có rất nhiều gương sáng mẫu mực "vạn thế sư biểu" như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế và rất nhiều danh sĩ nữa, những người hy sinh cả cuộc đời vì văn hóa, trí tuệ nước nhà.
Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng sự nghiệp giáo dục và từ năm 1945 đến nay, ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng. Với hệ thống giáo dục rộng khắp, hiện nay nước ta có 3,5 triệu người có trình độ đại học trở lên, trong đó có hàng vạn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Những người này cùng 22 triệu người đang ngồi trên ghế nhà trường, trong đó có hàng chục vạn con em đồng bào các dân tộc thiểu số, gia đình có công, từ miền ngược, vùng sâu, vùng xa đến đồng bằng, hải đảo là lực lượng quyết định con đường đi lên của dân tộc ta hiện nay cũng như trong tương lai.
Ba mươi năm qua, nhất là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, hội nhập quốc tế, ngành giáo dục đã được đầu tư nhiều hơn, vượt qua khó khăn và có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục của ta vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế phát triển của đất nước, còn nhiều mặt hạn chế, sa sút. Triết lý giáo dục, mô hình quản lý giáo dục, cơ cấu giáo dục chưa hợp lý, đời sống người làm công tác giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách cho phát triển sự nghiệp giáo dục còn lạc hậu, bất cập so với sự đòi hỏi của thực tế cuộc sống; chương trình giáo dục, sách giáo khoa... còn nhiều vấn đề. Tất cả những điều đó đã tác động đến toàn hệ thống, chất lượng dạy và học giảm sút, bệnh thành tích, thiếu trung thực lan tràn, đạo đức học đường xuống cấp nghiêm trọng. Thực trạng đó đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục trở thành vấn đề nóng của đất nước. Tuy đã tăng hàng chục phần trăm ngân sách cho giáo dục, đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho đổi mới, nâng cao chất lượng sách giáo khoa, xây dựng cơ sở vật chất các trường học, đào tạo giáo viên, cải thiện đời sống trong ngành giáo dục nhưng kết quả còn rất hạn chế. Những thiếu sót, khuyết điểm đó đang là trở ngại lớn để hệ thống giáo dục vươn lên hoàn thành trách nhiệm của mình.
Nhưng bên cạnh những yếu kém, bất cập đó, dù có một bộ phận giáo viên, cán bộ trong ngành không giữ được hình ảnh đẹp đẽ của người thầy, thì đại đa số thầy giáo, cô giáo vẫn giữ trọn hình ảnh cao quý của người thầy giáo Việt Nam. Họ không quản những khó khăn thiếu thốn trong đời tư, những bất cập trong công tác quản lý, những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường - dội từ bên ngoài vào nhà trường; họ vẫn bền bỉ vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để hoàn thành trách nhiệm trồng người cao cả. Cho dù làm gì, ở đâu, mỗi người chúng ta cũng ít nhất có một thời học trò, cũng có những thầy cô yêu kính của mình, có lòng biết ơn vô hạn với mái trường, nơi đã giáo dục, rèn luyện mình trở thành người có ích cho xã hội. Với ý nghĩa và với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, nhân dịp ngày 20-11, xin được chúc mừng và gửi tới các thầy giáo, cô giáo lòng biết ơn sâu sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.