(HNM) - Nghị quyết của Ban Chấp hành TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về
Vì sao phải ban hành nghị quyết này, việc thực hiện như thế nào không chỉ là trách nhiệm của tổ chức đoàn mà của toàn xã hội.
Đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp dân, xây dựng chuồng trại, công trình vệ sinh. |
Thực trạng và nguyên nhân
Theo khảo sát của TƯ Đoàn, hiện cả nước có trên 25,3 triệu thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, chiếm gần 29% dân số cả nước, trong đó nam thanh niên chiếm 50,6%. Một bộ phận thanh niên đang có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, dao động về lập trường chính trị, lệch lạc về giá trị đạo đức, có lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm…
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương nhận định, lứa tuổi thanh niên là giai đoạn hình thành nhân cách. Nếu không được tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng từ gia đình, nhà trường, xã hội, thanh, thiếu niên dễ dao động, đi lệch hướng. Theo giáo sư Văn Như Cương, nhân cách trong giới trẻ chỉ có thể uốn nắn bằng phương pháp giáo dục, nhưng hiện nay, nhà trường chủ yếu dạy chữ, không chú tâm dạy người. Nhiều thầy, cô giáo đã cố gắng uốn nắn nhân cách cho học sinh nhưng không phải thầy, cô nào cũng làm được. Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo dục nhân cách thanh niên là giáo dục giá trị cốt lõi. Đây chính là các yếu tố mang tính nền tảng để hình thành phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, lý tưởng và lối sống của thanh niên. Không làm tốt điều này dễ đưa thanh niên đến suy nghĩ, hành động tự phát, thiếu chuẩn mực. Là người trong cuộc, em Trịnh Lan Hương, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam khẳng định, hiện nay thanh niên đang bị "bủa vây" bởi quá nhiều hình thái văn hóa, nếu không được định hướng đúng, dễ bị mất phương hướng.
Thực tế cho thấy, hiện nay sự phát triển của xã hội với đa dạng các dòng văn hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin "hút" thanh niên rất mạnh, cuốn các em khỏi những giá trị truyền thống... Tỷ lệ thanh niên vi phạm luật giao thông chiếm tới 70% trên tổng số vi phạm, hay vi phạm hình sự ở lứa tuổi thanh niên có chiều hướng gia tăng đã gióng hồi chuông cảnh báo. Bên cạnh đó, ảnh hưởng mặt trái của quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế là nguyên nhân khiến một bộ phận thanh niên suy thoái đạo đức…
Tạo chuyển biến về đạo đức, lối sống của giới trẻ
Đây là mục tiêu số một được TƯ Đoàn chỉ rõ trong Nghị quyết về "Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013-2017". Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết, giai đoạn này, tổ chức đoàn sẽ tăng cường giáo dục nhân cách qua các hình thức bồi dưỡng lập trường tư tưởng, vun đắp lòng yêu nước cho thanh, thiếu niên. Việc hướng dẫn, khuyến khích thanh, thiếu niên thi đua học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp theo hai cơ chế: Trải nghiệm và học tập xã hội. Đặc biệt, TƯ Đoàn xác định, nhiệm vụ trọng tâm là hình thành cho các em niềm tin vào sự thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cùng với những hành động, việc làm cụ thể của tổ chức đoàn nhằm nỗ lực xây dựng thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên, TS Nguyễn Đức Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiệm của nhà trường. "Nhân cách của thanh niên không tự nhiên mà có, cũng không mặc định ở mỗi con người, mà được hình thành từ sự chuyển động của khách quan mang lại, công việc này đòi hỏi sự tham gia của các lực lượng giáo dục một cách thường xuyên, kiên trì"- TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh. Cùng quan điểm này, GS Văn Như Cương đề nghị, trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cần tăng cường thời lượng dạy người và ở đó, sự noi gương của thầy cô giáo luôn mang lại nhân cách cho học trò.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhiệm vụ giáo dục thanh niên không chỉ giao cho tổ chức đoàn hay nhà trường, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, bởi trong bối cảnh hiện nay thanh niên là đối tượng cần được gia đình, nhà trường, xã hội giúp đỡ xây dựng niềm tin, vượt qua khó khăn, tự chủ sáng tạo để trưởng thành với nhân cách hoàn thiện. Trước mắt, cần chú ý đề cao trọng trách hết sức quan trọng của cha mẹ, thầy cô giáo để qua đó giáo dục, giúp thanh niên xây dựng niềm tin, vượt qua được những thử thách, tác động xấu từ bên ngoài. Cùng với đó, tổ chức đoàn cần đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, giáo dục, tập hợp để thanh niên ngày càng tin tưởng, yêu thích và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của đoàn, tích cực cống hiến sức trẻ và hình thành nhân cách sống. Ngoài ra, rất cần sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, bộ, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác định hướng, giáo dục và tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, phấn đấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.