Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của chính quyền địa phương

Trung Hưng| 10/05/2013 05:11

1. Ngày 8-5, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Bình Phước truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, Phòng Giám định y khoa tỉnh Bình Phước, bị trù dập do chống tiêu cực. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5-6-2013.


Trước đó, dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh đã tố cáo các tiêu cực, tham nhũng của Trưởng phòng Giám định y khoa Bình Phước và một số nhân viên như nhận tiền, quà của người bệnh... Những nội dung tố cáo này được Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Bình Phước kết luận là đúng. Tuy nhiên, từ đây, dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh liên tục bị trù dập, thậm chí bị hành hung và đỉnh điểm là bị tập thể phòng họp kiểm điểm, thống nhất sa thải.

Ở góc độ quản lý nhà nước, vụ việc này tưởng như nhỏ mà lại không nhỏ. Có nhiều điều đáng bàn, đáng suy ngẫm, đặc biệt là về trách nhiệm cũng như tính hiệu quả của các cơ quan chức năng ở Bình Phước. Các cơ quan chức năng ở địa phương này hoặc thiếu trách nhiệm hoặc quan liêu, dẫn tới đích thân Phó Thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo giải quyết.

Chính quyền địa phương mà thờ ơ, quan liêu, thiếu trách nhiệm... sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác...

2. Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 31-3 (phát trên VTV1), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, tuy số vụ khiếu nại, tố cáo trong năm 2012 có giảm nhưng tính chất phức tạp, gay gắt lại tăng lên với trên 380.000 lượt người khiếu nại, tố cáo. Tình trạng khiếu nại vượt cấp chiếm tỷ lệ khá lớn. Cũng theo ông Huỳnh Phong Tranh, một trong những nguyên nhân quan trọng là trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo, bên cạnh những địa phương có trách nhiệm, tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, có nơi giải quyết chưa dứt điểm, rõ ràng, đặc biệt chưa làm rõ khiếu nại của công dân.

Trở lại vụ việc dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh: Trước đây, cũng đã nhiều lần người đứng đầu Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng đích thân phải có ý kiến chỉ đạo đối với vụ việc ở mức độ tương tự. Nếu vụ việc nào cũng bị "đẩy" lên cấp cao nhất thì lãnh đạo nào giải quyết cho xuể?

Nếu không muốn có những vụ việc mà lẽ ra cơ quan chức năng ở địa phương hoàn toàn có thể giải quyết được song lại bị "đẩy" lên tận cấp Trung ương, dồn trách nhiệm đến lãnh đạo cấp cao, tính hiệu quả và trách nhiệm, thậm chí cả sự minh bạch của chính quyền địa phương cần được xem lại và phải chấn chỉnh. Rõ ràng vụ việc ở Bình Phước và rất nhiều chuyện tương tự ở các địa phương khác đã cho thấy, để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp là do cơ quan chức năng ở địa phương đã không làm hết trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm. Vì vậy, cần phải nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm và chấm dứt tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của chính quyền địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.