(HNM) - Là “thành phố sông, hồ”, nhưng không ít dòng sông của Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ đe dọa sức khỏe con người, mà còn làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn của Thủ đô.
Cùng với nguồn nước bị ô nhiễm, hầu hết hành lang các sông còn đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu hay những “thùng rác thiên nhiên” từ các khu dân cư, đô thị xả ra. Thống kê hiện nay trên địa bàn thành phố đang có tới 1.509 điểm xả thải thẳng vào sông, hồ.
Làm thế nào để kiểm soát, chống ô nhiễm nguồn nước các con sông là vấn đề cấp bách đặt ra với các cấp, ngành của thành phố.
Ngày 31-5-2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo" với mục tiêu tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước và môi trường các dòng sông chảy qua thành phố. UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đề án cải tạo, làm sống lại 4 dòng sông lớn: Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Tích. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường và nước trong tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Trước mắt là bảo đảm dòng chảy sông Tô Lịch vào mùa khô; hoàn thành đúng tiến độ Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.
Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đã nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp chủ yếu cho việc "giải cứu" các dòng sông ô nhiễm. Trong đó, chương trình thu gom và xử lý nước thải của thành phố trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn 2017-2020 và các chương trình chống ngập, khơi thông dòng chảy tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích… sẽ được chỉ đạo triển khai đồng bộ.
Tất nhiên, để xử lý ô nhiễm tại các con sông đạt hiệu quả, việc quản lý, kiểm soát nguồn thải là hết sức cần thiết. Cùng với đó, tập trung khắc phục và cải thiện chất lượng nước trên lưu vực sông, đòi hỏi có cơ chế về tài chính cho việc triển khai thực hiện; đặc biệt cần xử lý triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh.
Những cảnh báo chuyên môn và thực trạng ô nhiễm cho thấy những thách thức rõ ràng đòi hỏi các chính sách và giải pháp hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống làm cho chất lượng sống của người dân tốt hơn. Việc để những dòng sông trong tình trạng ô nhiễm nặng như hiện nay, trách nhiệm chính thuộc về cộng đồng dân cư trong lưu vực sông. Với những hành động, việc làm theo thói quen, nếp sống cũ trong đời sống thường nhật như xả rác, nước thải... đã buộc những dòng sông gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường.
Vì thế, để "tái sinh" những con sông vốn trong xanh, hiền hòa, thơ mộng và gắn liền với lịch sử thành phố, việc triển khai các giải pháp kỹ thuật là bắt buộc. Song, những cố gắng sẽ trở thành vô nghĩa nếu cả cộng đồng, đặc biệt là người dân cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang có mặt dọc theo chiều dài những con sông không ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ những "lá phổi" xanh với diện tích còn lại khá khiêm tốn trong thành phố. Phải khẳng định rằng, bảo vệ môi trường, làm sống lại những dòng sông đòi hỏi từ chính quyền đến người dân cùng nhau chung sức xây dựng đường hướng phát triển cho đúng cách, có chiều sâu; ứng xử có trách nhiệm với thiên nhiên. Bảo vệ môi trường sông, hồ không phải chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.