Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Nhiều bất cập khi tăng tốc độ lưu thông.

Hà Phạm| 02/12/2016 20:24

(HNMO) - Ngày 2-12, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 91/2015/TT-BGTVT với sự tham dự của Ban ATGT thành phố, Công an thành phố và đại diện các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cho rằng, việc tăng tốc độ lưu thông gây ra nhiều bất cập khi lưu thông.



Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi thực hiện Thông tư số 91 của Bộ GTVT, Sở GTVT thành phố đã điều chỉnh nâng tốc độ lưu thông 12 tuyến đường trên địa bàn thành phố, sau hơn 8 tháng thực hiện việc điều chỉnh tốc độ tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã tăng số vụ và số người chết. Đặc biệt số người chết tăng 20% so với cùng kì năm 2015. 

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2016 Ban ATGT, Công an và Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ và có những giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT. Năm 2015 trước khi thực hiện Thông tư 91 TNGT trên toàn thành phố giảm cả tiêu chí, từ ngày 1/3/2016 Thông tư 91 có hiệu lực, hiện nay trên cơ sở đánh giá tác động của Thông tư 91 chúng tôi vẫn đang nghiên cứu đánh giá có chiều sâu.

Năm 2016 nguyên nhân  TNGT chủ yếu là do người phương tiện lưu thông không đúng phần đường chiếm 122 vụ (14%), vi phạm tốc độ chiếm 91 vụ (10%), uống rượu bia chiếm 11 vụ (1%). Người điều khiển phương tiện tự gây tai nạn 176 vụ, làm chết 158 người. Phân tích về đối tượng gây ra tai nạn xe gắn máy gây tai nạn 649 vụ (chiếm 73%), xe ô tô khách gây tai nạn 101 vụ (chiếm 11%), trong đó có yếu tố tốc độ dẫn đến nguyên nhân tai nạn, xe ôtô du lịch gây 51 vụ tai nạn (chiếm 6%). Ngược lại với các năm trước tai nạn xảy ra ở các khu vực ngoại ô thì TNGT năm 2016 xảy ra 510 vụ khu vực nội thành (chiếm 58%). Thời gian xảy ra TNGT từ 19h đến 1h sáng xảy ra 414 vụ (chiếm gần 50%) đây là khoảng thời gian đường vắng.

Theo ông Phong, việc nâng tốc độ tỷ lệ thuận với việc tăng phương tiện là chưa phù hợp bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Tăng tốc độ gây khó cho lực lượng CSGT để xử lý vi phạm tốc độ. Quy định về tốc độ của Thông tư 91 là quy định tối đa trong khi đó một số tuyến đường lại không đáp ứng đủ chạy theo tốc độ quy định. Khoảng cách đối với phương tiện cũng rất khó cho lực lượng chức năng xử lý.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban Ban ATGT TP Hồ Chí Minh nêu rõ, cần phải đánh giá ưu điểm, nhược điểm cụ thể khi thực hiện Thông tư 91. Như việc thực hiện Thông tư 91 giải quyết được việc ùn tắc giao thông, nhiều người dân, tài xế rất phấn khởi khi được tăng tốc độ để lưu thông thuận tiện trên một số tuyến đường có hạ tầng tốt. Trong khi đó cũng có thể tốc độ là một nguyên nhân dẫn đến TNGT. Khi thực hiện tăng tốc độ cũng hạn chế được vấn đề xử phạt. Qua khảo sát, có địa phương tăng, có địa phương không tăng. Tăng là do nguyên nhân gì, phải phân tích cụ thể.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định vận tốc tối đa, tùy vào điều kiện thời tiết bên ngoài, chướng ngại vật để lựa chọn tốc độ cho phù hợp. Một số tuyến đường như QL1, xa lộ Hà Nội… số vụ tai nạn tăng thì phải đi khảo sát cụ thể để giảm tốc độ cho phù hợp. Trong nội đô xe máy được lưu thông 60km/h chúng ta phải theo dõi đánh giá thêm để có báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT để xem lại vận tốc nội độ của xe gắn máy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Nhiều bất cập khi tăng tốc độ lưu thông.

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.