Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức cắm biển tốc độ tối đa cho phép trên đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên).
Theo đó, từ cuối tháng 12-2023 đến nay, đã có 4 đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới được điều chỉnh khai thác với vận tốc tối đa từ 80km/giờ lên 90km/giờ là cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Trung Lương - Mỹ Thuận; Tuyên Quang - Phú Thọ. Qua báo cáo của các ban quản lý dự án, Sở Giao thông vận tải đang quản lý các tuyến cao tốc nêu trên sau thời gian khai thác, theo dõi thì bước đầu giao thông ổn định.
Từ kết quả này, để bảo đảm tính đồng nhất, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, cơ quan quản lý các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới có quy mô tương đồng, có dải phân cách cứng phân chia hai chiều xe chạy được khai thác với vận tốc tối đa là 90km/giờ. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, cơ quan quản lý các đoạn tuyến cao tốc tăng cường điều kiện, biện pháp bảo đảm giao thông trên tuyến như: Trực chốt tại các lối vào; công tác cứu hộ, cứu nạn ứng cứu kịp thời; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát giao thông trên tuyến...
Đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe thường được gọi là đường cao tốc 4 làn hạn chế, có nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m, làn xe cơ giới rộng 3,5m, không bố trí dải dừng xe khẩn cấp liên tục; tốc độ khai thác tối đa 80km/giờ. Còn đường cao tốc 4 làn xe có quy mô đầy đủ có nền đường rộng 22,5m-25m, mặt đường rộng 23,5m, mỗi làn xe rộng 3,75m, dải dừng xe khẩn cấp 2 bên được đầu tư đầy đủ, liên tục (mỗi dải rộng 3m); tốc độ khai thác tối đa 100km/giờ-120km/giờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.