(HNM) - Đúng như dự đoán của giới phân tích, đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát toàn bộ Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Kết quả công bố vào tối 5-11 (theo giờ Việt Nam) cho thấy, bên cạnh việc củng cố thế đa số tại Hạ viện (237/435), đảng Cộng hòa đã giành thêm 7 ghế tại Thượng viện từ tay đảng Dân chủ; đồng thời vẫn giữ vững 15 ghế bầu lại, giúp đảng này chiếm 52/100 ghế tại Thượng viện. Chiến thắng này đồng nghĩa với việc quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ được chuyển giao cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 2006, phe Cộng hòa trở lại kiểm soát Thượng viện Mỹ.
Tổng thống Obama có bị lấn lướt? |
Nhiều ý kiến cho rằng kết quả bỏ phiếu đã phản ánh sự thất vọng của nhiều cử tri xứ Cờ hoa đối với hoạt động của Quốc hội Mỹ cũng như người đứng đầu Nhà Trắng. Theo hàng loạt cuộc thăm dò dư luận thực hiện gần đây, không chỉ đảng Dân chủ bị đánh giá kém hiệu quả, mà đảng Cộng hòa cũng không chiếm được thiện cảm của đa số người dân. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội khóa 113 của Mỹ hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử. Thăm dò của tờ "Bưu điện Washington" và kênh tin tức ABC vừa công bố cho thấy, có đến 68% cử tri cho rằng nước Mỹ "đang đi sai đường".
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là, vì sao cử tri Mỹ lại có những nhận định như vậy? Mặc dù ngành tài chính Mỹ chưa thể hồi phục và vẫn còn tình trạng nợ lương, song công bằng mà nói, nền kinh tế đã tăng trưởng trong suốt 4 năm qua và có thể coi là đang ở tình trạng tốt hơn so với Châu Âu, Nhật Bản. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 5,9% so với mức đỉnh điểm 10% cách đây 4 năm. Giá khí đốt cũng ở mức thấp trong 4 năm qua. Tuy nhiên, nước Mỹ lại đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng và khó có thể kiểm soát, từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho đến dịch bệnh Ebola. Quan trọng hơn, theo giới phân tích, gốc rễ của thái độ bất bình trong mùa bầu cử lần này là người dân ngày càng có cảm giác rằng, các thể chế chính trị quốc gia, vốn bị trói buộc bởi sự chia rẽ đảng phái đã không còn làm việc hiệu quả. Thực tế chính trường Mỹ trong 6 năm ông B.Obama làm Tổng thống luôn rơi vào tình trạng bế tắc tới mức hầu hết các vấn đề đối nội từ chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư đến kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe… đều rất khó khăn để đi đến quyết định cuối cùng.
Có thể nói bầu cử giữa kỳ ở Mỹ cũng là cách để người dân sử dụng lá phiếu bày tỏ quan điểm với tổng thống và đảng của tổng thống. Từ đầu năm đến nay uy thế chính trị của Tổng thống B.Obama liên tục giảm sút, xuống dưới mức 40% so với thời kỳ đỉnh cao 83%-89% năm 2008. Đây là lý do các chuyên gia nhận định cuộc bỏ phiếu vừa qua là cuộc trưng cầu dân ý đối với khả năng cầm quyền của nhà lãnh đạo Mỹ. Trái lại, phe Cộng hòa lại triệt để khai thác những điểm chưa mạnh của Tổng thống B.Obama làm tâm điểm của các tấm quảng cáo tranh cử truyền hình. Một nguyên nhân nữa dẫn đến thất bại của đảng Dân chủ là do cử tri ủng hộ đảng này đi bỏ phiếu thấp hơn nhiều so với các kỳ bầu cử trước. Đảng Dân chủ xưa nay trông chờ vào khối cử tri phụ nữ độc thân, cử tri trẻ, cử tri gốc Mỹ Latinh và cử tri gốc Phi. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm nay, số lượng cử tri thuộc các nhóm này tham gia bỏ phiếu giảm mạnh, trong khi đảng Cộng hòa đã khuấy động được cử tri của họ đi bỏ phiếu đông đảo hơn. Cũng không thể không nhắc đến truyền thống bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ là cử tri nước này thường có thiên hướng ủng hộ đảng không nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng. Qua các cuộc bầu cử trước, đảng của tổng thống đương nhiệm trong nhiệm kỳ thứ hai thường mất trung bình hơn 20 ghế tại Hạ viện.
Như vậy, việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội chắc chắn sẽ tác động mạnh tới chính trường Mỹ trong hai năm cầm quyền còn lại của Tổng thống B.Obama. Chắc chắn, đảng Cộng hòa sẽ dùng lợi thế này để chặn các chính sách của tổng thống, gây khó dễ cho những quyết định đề cử nhân sự mới và các kế hoạch tăng cường vị thế của đảng này để chuẩn bị cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tất nhiên, người đứng đầu nước Mỹ vẫn nắm quyền thông qua cuối cùng hoặc phủ quyết các chính sách do Quốc hội đệ trình nên một sự lấn lướt thái quá khó có thể xảy ra. Dẫu vậy, việc để hai viện của Quốc hội Mỹ nằm trong tay đảng Cộng hòa không phải là một thuận lợi cho vị tổng thống da màu đầu tiên của xứ Cờ hoa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.