Tổng thống Blaise Compaore của Burkina Faso đã bị lật đổ hôm qua khi quân đội giành quyền lực sau khi người biểu tình phóng hỏa tòa nhà cuộc hội trong cuộc nổi dậy của quần chúng nhằm phản đối 27 năm cầm quyền của ông Compaore.
Xe quân đội trên đường phố thủ đô Ouagadougou. |
Người biểu tình trước đó đã buộc chính phủ phải hủy một cuộc bỏ phiếu về các kế hoạch gây tranh cãi nhằm cho phép Tổng thống Compaore kéo dài thời gian cầm quyền. Hàng chục nghìn người đã tham gia một cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Ouagadougou kêu gọi Tổng thống từ chức.
Hàng trăm người đã xông vào tòa nhà quốc hội và các tòa nhà công khác, trong đó có trụ sở đài truyền hình quốc gia, cướp phá các văn phòng, phóng hỏa các xe ô tô, bất chấp lực lượng cảnh sát dày đặc và sự hiện diện của quân độ khắp thủ đô.
Quân đội, trong một cuộc họp báo được tổ chức vội vàng, sau đó đã tuyên bố giành quyền lực và cam kết phục hồi trật tự hiến pháp trong vòng 12 tháng.
Quân đội đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ tối tới sáng và tuyên bố giải tán chính phủ của Tổng thống Compaore và quốc hội, thành lập một cơ quan chuyển tiếp để lãnh đạo đất nước.
Thông báo chính thức về quyết định trên, được một quan chức đọc công khai tại cuộc họp báo, đã được Tham mưu trưởng quân đội Nabere Honore Traore thông qua. Hiện không rõ ông Compaore đang ở đâu.
Trước đó, một tuyên bố được cho là từ văn phòng tổng thống cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. "Tham mưu trưởng quân đội chịu trách nhiệm thực hiện sắc lệnh này, vốn có hiệu lực ngay trong ngày hôm nay", tuyên bố viết.
Tuy nhiên, tài liệu không đề ngày cụ thể và có chữ ký không giống chữ ký của Tổng thống Compaore.
Tham mưu trưởng quân đội Nabere Honore Traore đã có cuộc gặp với Tướng về hưu Kouame Lougue, một cựu bộ trưởng quốc phòng đang được phe đối lập kỳ vọng sẽ thay thế ông Compaore, để thảo luận về cuộc khủng hoảng.
Mỹ, Pháp và Liên minh châu Phi đã bày tỏ lo ngại về cuộc nội dậy tại quốc gia nghèo ở Tây Phi.
Tổng thư ký Liên hợp quốc đã cử một phái viên đặc biệt tới Burkina Faso để trợ giúp phục hồi trật tự, trong khi Liên minh châu Âu kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2011
Tòa nhà quốc hội bị phóng hỏa ngày 30/10. |
Ít nhất 1 người đã thiệt mạng trong sự hỗn loạn, vốn bùng phát ngay trước khi các nghị sĩ dự kiến bỏ phiếu về một dự luật vốn cho phép vị Tổng thống 63 tuổi, nắm quyền từ năm 1987, có thể tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Trước làn sóng phản đối của dân chính, chính phủ sau đó đã công bố hủy cuộc bỏ phiếu.
Cảnh sát và quân đội đã không thể ngăn chặn các cuộc đột nhập của người biểu tình nhằm vào các tòa nhà công dù đã sử dụng hơi cay nhằm vào họ.
Khói đen đã bốc lên từ những cửa sổ bị đập vỡ tại tòa nhà quốc hội trong vụ phóng hỏa hôm qua. Vài văn phòng đã bị lửa thiêu rụi, mặc dù phòng họp chính trong tòa nhà dường như không bị ảnh hưởng.
Vài trăm người biểu tình cũng đột nhập trụ sở đài truyền hình quốc gia RTB, cướp các thiết bị và đập các phương tiện.
Đám đông sau đó đã tiến tới dinh tổng thống nhưng bị các binh sĩ từ đội vệ binh tổng thống ngăn chặn.
Nổi giận vì "đảo chính hiến pháp"
Các nghị sĩ Burkina Faso dự định tiến hành cuộc bỏ phiếu tại quốc hội về việc sửa đổi hiến pháp, vốn có thể dỡ bỏ giới hạn về các nhiệm kỳ tổng thống để ông Compaore có thể tái tranh cử vào tháng 11/2015.
Động thái trên đã khiến nhiều người nổi giận, trong đó có những công dân trẻ tại một đất nước nơi 60% dân số trong gần 17 triệu dân dưới độ tuổi 25.
Ông Compaore mới chỉ 36 tuổi khi giành quyền lực trong một cuộc đảo chính năm 1987, trong đó người bạn cũ của ông và là một trong những nhà lãnh đạo được yêu mến nhất châu Phi, Thomas Sankara, bị lật đổ và bị ám sát. Ông Compaore vẫn nắm quyền kể từ đó, tái đắc cử 4 nhiệm kỳ tổng thống kể từ năm 1991.
Được biết tới với tên gọi thời thuộc địa là Upper Volta, quốc gia Tây Phi đã độc lập khỏi Pháp vào năm 1960 và đổi tên thành Burkina Faso vào năm 1984.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.