Thông qua một hiệp ước an ninh chung, Niger, Mali và Burkina Faso cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra nổi dậy hoặc can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Theo Reuters hôm nay (17-9), hiệp ước an ninh giữa Niger, Mali và Burkina Faso được ký kết trong bối cảnh ba quốc gia khu vực Tây Phi đang gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực chống lại lực lượng nổi dậy Hồi giáo có liên hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thỏa thuận cũng cho thấy, Niger, Mali và Burkina Faso xích lại gần nhau hơn khi mối quan hệ với các quốc gia láng giềng cùng đối tác quốc tế trở nên căng thẳng sau các cuộc đảo chính quân sự.
Sau khi lực lượng đảo chính lật đổ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum hồi cuối tháng 7, mối quan hệ giữa Niger, Mali và Burkina Faso với Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) càng thêm chia rẽ. Khối này đe dọa sẽ can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum nếu những nỗ lực ngoại giao không đạt kết quả.
Nội dung hiệp ước an ninh khẳng định, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một hoặc nhiều bên ký kết sẽ được coi là hành động xâm lược. Nếu kịch bản này xảy ra, Niger, Mali và Burkina Faso sẽ hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả việc điều động lực lượng vũ trang.
Hãng tin DW của Đức cho biết, khu vực Liptako-Gourma giáp biên giới Niger, Mali và Burkina Faso đang có nhiều diễn biến phức tạp do tác động của chủ nghĩa thánh chiến trong những năm gần đây. Mali, ngoài việc phải chống lại các chiến binh thánh chiến, còn chứng kiến sự tái diễn các hoạt động thù địch của nhiều nhóm vũ trang.
Bộ trưởng Quốc phòng Mali Abdoulaye Diop tuyên bố, hiệp ước đánh dấu sự hợp tác giữa quốc gia này với Niger và Burkina Faso trong hoạt động quân sự và kinh tế, với ưu tiên là cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng Chad và Mauritania, Niger, Mali và Burkina Faso là thành viên nhóm G5 Sahel do Pháp hỗ trợ, được thành lập năm 2017 để chống lại các lực lượng Hồi giáo trong khu vực. Mối quan hệ giữa Paris và ba quốc gia này đã xấu đi kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.