(HNMO) – Tin từ Bộ Công thương cho biết, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2013 tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2012 nhưng so với cùng kỳ những năm trước đó vẫn còn ở mức thấp, điều này cho thấy sản xuất của ngành vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu do trong bối cảnh kinh tế suy giảm, sức mua trên thị trường trong và ngoài nước đều ở mức thấp, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thông qua mức tăng trưởng hàng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành điện, có thể thấy sản xuất có dấu hiệu của sự phục hồi.
Trong các nhóm sản xuất thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, có một số mặt hàng sản xuất tăng cao đã phần nào hỗ trợ cho sự suy giảm của nhóm và tập trung ở nhóm các mặt hàng có tỷ trọng lớn và có thị trường xuất khẩu ổn định như dệt may, giầy dép; thị trường trong nước tiêu thụ tốt như: sản phẩm thiết bị điện, xe có động cơ... Điều này cho thấy việc phát triển thị trường cả trong và ngoài nước rất quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành khai khoáng có mức tăng trưởng giảm, tập trung ở những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như than, đá, cát, sỏi, đất sét...; điều này đã phản ánh thực tế khi sản xuất suy giảm, nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu giảm, sản xuất vì thế giảm theo.
Hiện những sản phẩm vẫn tồn kho tăng cao là những sản phẩm phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và phục vụ dân sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản gặp khó khăn và sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.
Mặt khác, trên cơ sở nghiên cứu biến động của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho từ đầu năm 2012 đến nay có thể thấy, chỉ số tồn kho liên tục giảm nhanh; chỉ số tiêu thụ đang trong xu hướng tăng dần, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm đã cho thấy những ngành có chỉ số tồn kho giảm trong thực tế chưa hẳn do tiêu thụ tốt mà do nhiều doanh nghiệp đã tiết giảm sản xuất.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm dần qua các tháng, thời điểm 1/1/2013, tăng 21,5%, thời điểm 1/6/2013 tăng 9,7%, đến thời điểm 1/9/2013 tăng còn 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính từ thời điểm tồn kho từ đầu năm, chỉ số tồn kho đã giảm được 12,2 điểm phần trăm. Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều là: sản xuất xi măng, linh kiện điện tử, thiết bị truyền thông, xe có động cơ, sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất vải dệt thoi...
Theo Bộ Công thương, khó khăn lớn trong sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn là tiêu thụ sản phẩm, vì thế các doanh nghiệp không đầu tư phát triển sản xuất. Một số ngành như dệt may, giày dép lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu do có sự tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia khác, các nhà cung cấp lợi dụng việc khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu để cố tình trì hoãn việc giao hàng đẩy giá tăng lên từ 10% đến 15% đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy, song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn lực, đầu tư thiết bị công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động cung ứng nguyên phụ liệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.