Theo dõi Báo Hànộimới trên

Toán trò chơi

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 06/03/2011 07:59

(HNM) - Toán học tưởng như khô khan và khó học nhưng lại có rất nhiều bài toán giúp ta giải trí. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một số dạng toán trò chơi thông dụng ở Việt Nam và trên thế giới.

Sodoku là một trò chơi logic. Ban đầu có một bảng hình vuông, mỗi chiều có 9 ô nhỏ, hợp thành 9 hàng, 9 cột và được chia thành 9 hình vuông 3 x 3. Một vài ô nhỏ trong bảng được điền số. Cách chơi là điền số từ 1 đến 9 vào những ô trống sao cho mỗi hàng, mỗi cột, mỗi hình vuông 3 x 3 (đã được đánh dấu) đều có đủ các số từ 1 đến 9 mà không được lặp lại.

Từ hình vuông 9 x 9 ban đầu, người ta còn nghĩ ra các bảng khác như 4 x 4, 8 x 8, 25 x 25 hay thậm chí 100 x 100, với các cách chia bảng thành những hình khác (không nhất thiết là hình vuông).

Câu đố được xếp loại dễ, trung bình, khó hay cực khó tùy theo kích thước của bảng và mức độ nhiều hay ít của các số được điền vào ban đầu.

Sodoku là trò chơi phổ biến, được dùng làm câu đố trên sách, báo, được chơi trên máy tính, điện thoại di động. Người ta cũng đã tổ chức thi giải nhanh Sodoku.

Sokoban là trò chơi với dạng bảng ô vuông. Trên bảng có một số khối vuông và chướng ngại vật. Mỗi lần ta chỉ đẩy được một khối vuông sang ô bên cạnh nếu ô đó trống. Cách chơi là ta cần đẩy tất cả các khối vuông đó đến những đích được định sẵn trên bảng.

Sokoban được chơi nhiều trên máy tính. Từ ý tưởng của Sokoban, người ta còn có những trò chơi tương tự như thay chướng ngại vật trên đường đi bởi những động vật cần phải tránh hoặc đích đến của các khối là nơi cần bắc cầu hay phá bom.

Kakuro là một loại trò chơi điền số vào các ô trống của bảng. Một số ô trong bảng được kẻ 1 một đường chéo theo hướng từ góc trên bên trái xuống góc dưới bên phải rồi điền số vào những tam giác đó. Các ô trống phải được điền bằng các số từ 1 đến 9 thỏa mãn: Số điền trong tam giác phía trên bằng tổng các số được điền trong các ô trống liền nhau cùng hàng; số điền trong tam giác phía dưới bằng tổng các số được điền trong các ô trống liền nhau cùng cột.

Klotski là một trò chơi di chuyển các khối đồ vật trong một phòng hình chữ nhật. Ban đầu, phòng gồm nhiều khối có hình dạng khác nhau, có một cửa có thể mở ra. Mỗi lần, ta di chuyển một khối theo chiều dọc hoặc ngang (không kể dịch chuyển xa hay gần đều tính một lần). Mục đích là ta phải đưa được khối to nhất (khối chủ) đến cửa phòng với số lần thực hiện ít nhất.

Klotski được chơi trên máy tính, có những mức độ từ dễ đến khó với từng bộ các khối do người biên soạn lập ra.

Mê cung là một câu đố dưới dạng các lối đi phức tạp mà người chơi phải tìm ra đường đi. Thông thường chỉ có một lối ra duy nhất, các cách đi khác đều kết thúc ở ngõ cụt.

Trên thế giới có hàng trăm mê cung được xây dựng trong những công viên dành cho khách du lịch. Chẳng hạn như Ashcombe là một mê cung nổi tiếng của Australia, được trồng từ 217 loại hoa hồng khác nhau.

Mê cung cũng được chơi trên máy tính hoặc đố trên sách, báo.

Tháp Hà Nội là một trong những bài toán nổi tiếng trên thế giới. Đây là một trò chơi mà ta sử dụng 3 chiếc cọc cùng những đĩa tròn có các kích thước khác nhau, có lỗ ở giữa có thể xuyên được vào cọc. Ban đầu, đĩa được xếp chồng lên nhau ở cùng một cọc, theo thứ tự đĩa to hơn nằm bên dưới. Mỗi lần ta chỉ được di chuyển một đĩa từ cọc này sang cọc khác sao cho trên cùng một cọc thì đĩa nhỏ hơn luôn nằm phía trên. Yêu cầu của trò chơi là phải di chuyển toàn bộ số đĩa từ cọc ban đầu sang một cọc khác.

Người ta cũng đã chơi trò này với số cọc nhiều hơn 3 và hiện vẫn chưa có cách chơi tối ưu, là cách chơi mà số lần di chuyển đĩa là ít nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Toán trò chơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.