So với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất.
Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước và khu vực.
Chia sẻ về những nội dung cơ bản trong Luật Thủ đô năm 2024 có liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Có 4 nội dung chính gồm, cơ chế, chính sách vượt trội liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ; cơ chế, chính sách đặc thù đối với đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách của thành phố; các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; các cơ chế đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các khu công nghệ cao nói chung trên địa bàn thành phố”.
Theo Khoản 1, Điều 43 Luật Thủ đô năm 2024, các dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội sẽ được ưu đãi đầu tư, gồm: Dự án hoạt động công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thủ đô; dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển làng nghề truyền thống...
Các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm sẽ được áp dụng các chính sách đột phá như chủ động lựa chọn nhà thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ còn được hỗ trợ mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị từ ngân sách thành phố.
Đáng lưu ý hơn, các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thủ đô được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phát sinh trên địa bàn thành phố.
Không chỉ vậy, nhà đầu tư còn được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp khi có khoản thu từ chuyển nhượng vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội. Ngoài ra, một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, đấu thầu như doanh thu, nguồn lực tài chính hay kinh nghiệm sẽ được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, các khu công nghệ cao trong hơn 2 thập kỷ qua đã góp phần thu hút đầu tư công nghệ cao, kết hợp sản xuất với nghiên cứu và đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, hiệu quả chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là mô hình quản lý chưa đồng bộ, cơ chế thu hút thiếu hấp dẫn và hành lang pháp lý chưa rõ ràng.
Việc Luật Thủ đô năm 2024 được thông qua, cho phép UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao là một bước tiến lớn, mở ra kỷ nguyên mới cho phát triển công nghệ cao tại Thủ đô. “Chính quyền thành phố cần nắm bắt cơ hội này, hành động quyết liệt để khai thác tối đa hiệu quả từ các cơ chế mới”, Tiến sĩ Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Luật gia Lê Quang Vững cũng cho rằng, điểm nổi bật khác là Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước nhằm thúc đẩy sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Tổ chức triển khai như thế nào cho hiệu quả vẫn là thách thức lớn”.
Được biết, để triển khai Luật Thủ đô, Hà Nội đang triển khai các văn bản hướng dẫn; lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về quy định cơ chế tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện. Đích đến là quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm theo nguyên tắc thị trường nhưng chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.
Đồng thời, thành phố bố trí vốn ngân sách hỗ trợ khu công nghệ cao nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê. Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu chú trọng vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế so sánh và lợi thế về thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư nông thôn.
Thạc sĩ Thạch Lê Anh, chuyên gia về khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạo hiểm, đánh giá, việc triển khai cơ chế đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Hà Nội và nền kinh tế quốc gia. Đây là nền tảng tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo việc làm, cải thiện chất lượng lao động, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.