(HNM) - Sau một thời gian biên soạn, thẩm định, sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, 32 sách giáo khoa của 8 môn học lớp 1 sẽ được áp dụng trên toàn quốc kể từ năm học 2020-2021.
Sự kiện trên không chỉ thu hút sự quan tâm của những nhà giáo dục mà còn đối với cả xã hội. Với lộ trình áp dụng cụ thể, khoa học, những thay đổi trong bộ sách giáo khoa mới của 3 nhà xuất bản vừa công bố được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một nền giáo dục toàn diện, thực chất hơn.
So với sách giáo khoa hiện hành, sách giáo khoa mới có nhiều điểm khác biệt. Cụ thể, sách giáo khoa mới có vai trò cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh, định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thay vì chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất của Nhà xuất bản Giáo dục, việc triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới của 3 nhà xuất bản sẽ giúp giáo viên, học sinh có thêm sự lựa chọn để đa dạng nội dung dạy và học. Giá sách cũng có thể “mềm hơn” khi có sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản.
Đặc biệt, nhiều bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 vừa công bố có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới mà vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam, có tính "mở", linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Thời gian áp dụng sách giáo khoa mới không còn nhiều. Điều khiến dư luận còn nhiều băn khoăn là việc thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa có tạo nên sự bất cập, thiếu đồng bộ giữa các địa phương trong chương trình giảng dạy chung? Các nhà trường, giáo viên và học sinh cần phải chuẩn bị gì để việc dạy và học theo sách giáo khoa mới bảo đảm chất lượng?
Theo quy định trong Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020, việc chọn sách giáo khoa sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định. Vì thế, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, nhà xuất bản thực hiện tốt khâu lựa chọn sách giáo khoa; đồng thời, tổ chức tập huấn việc dạy và học theo sách giáo khoa lớp 1 mới.
Để việc lựa chọn sách giáo khoa được chính xác, phù hợp thì thông tin về sách giáo khoa đến các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người dân nói chung phải đầy đủ, chính xác, được công khai rộng rãi. Việc quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố công khai biên bản thẩm định đối với các sách giáo khoa.
Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa là phù hợp với thực tiễn. Song, việc có nhiều nhà xuất bản cùng phát hành sách thì cần có những quy định cụ thể mang tính ràng buộc để tránh tình trạng găm sách, gây sốt, thiếu giả tạo. Đặc biệt, cần xóa bỏ độc quyền nhưng không được gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh trong việc mua và tiếp cận sách giáo khoa.
Đối với mỗi giáo viên, cần chủ động tìm hiểu một cách thấu đáo chương trình môn học theo sách giáo khoa mới, nhất là đối với môn học, cấp học của mình để truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất cho học sinh. Mỗi giáo viên cũng cần xác định mình sẽ là động lực để đổi mới và thúc đẩy việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới.
Việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới không nằm ngoài mục tiêu hướng đến giáo dục thực chất, toàn diện cho người học. Vì thế, thực hiện thành công chương trình sách giáo khoa lớp 1 sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện sách giáo khoa mới trong các năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.