(HNMO) – Sáng 20-10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trọng tâm là 10 năm thực hiện cương lĩnh 2011.
Chủ trì toạ đàm có các đồng chí: Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Dự toạ đàm còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố.
Quang cảnh toạ đàm |
Hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Thủ đô Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Trung ương vào thực tiễn của thành phố, nêu cao tinh thần gương mẫu, đoàn kết, thống nhất vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, có những đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.
Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 8 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Đảng bộ Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Nổi bật là Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long và xứ Đoài được gìn giữ, cộng hưởng và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; công tác đối ngoại được mở rộng. Diện mạo đô thị của Thủ đô ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triền hạ tầng kinh tế - xã hội khởi sắc rõ rệt, dẫn đầu toàn quốc về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố kiện toàn, chất lượng và hiệu quả hoạt động có chuyển biến tốt hơn, có nhiều mô hình hay, cách làm mới được trung ương nghiên cứu, nhân rộng và các tỉnh, thành trong nước học tập kinh nghiệm; dân chủ trong Đảng, trong xã hội không ngừng được mở rộng; khối đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Vai trò, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Những thành tựu đó đã góp phần minh chứng cho tính đúng đắn của Cương lĩnh 2011, đồng thời quá trình thực tiễn thực hiện cho thấy, cần bổ sung, làm rõ một số nội dung làm cơ sở để trung ương đánh giá, tổng kết Cương lĩnh và có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn mới.
Tại tọa đàm, các thành viên Hội đồng Lý luận trung ương đã trao đổi nhiều vấn đề với Thành ủy Hà Nội để cùng tập trung làm rõ việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ ở thôn, tổ dân phố; về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và thực hành dân chủ; nhận thức về Đảng cầm quyền và hoạt động của Đảng bộ thành phố; về xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Trao đổi, làm rõ một số vấn đề về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là mối quan hệ giữa kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố đang được cơ cấu lại theo hướng đầu tư công nghệ, nên có hiệu quả, năng suất lao động cao hơn, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường hơn. Khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn Thủ đô cũng đang được đầu tư mạnh mẽ, đổi mới về công nghệ. Dự kiến thời gian tới, đóng góp của khu vực này vào GRDP của thành phố sẽ tăng từ mức hơn 40% lên hơn 60%...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của Cương lĩnh 2011, Thành ủy, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã quán triệt, triển khai rất nghiêm túc. Trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ thành phố đã chú trọng đổi mới, cụ thể hóa các nghị quyết Đại hội Đảng thành các chương trình công tác lớn, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ rất quyết liệt, chú trọng kiểm tra, giám sát; mở rộng và phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
“Nội dung buổi tọa đàm khoa học hôm nay rất quan trọng, góp phần làm sáng tỏ lý luận và thực tiễn trong quá trình thực hiện Cương lĩnh 2011, đồng thời giúp Thành ủy Hà Nội nhận thức sâu sắc hơn về những kết quả đã đạt được để phát huy; những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp trong thời gian tới” - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Kết luận tọa đàm khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, bài bản, khoa học của Đảng bộ Hà Nội trong việc thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí nhấn mạnh, với 1 báo cáo tổng thể, 8 báo cáo chuyên đề, 6 ý kiến phát biểu trực tiếp tại tọa đàm, cùng với những thông tin hữu ích qua các buổi nghiên cứu đã giúp đoàn có thêm nhiều tư liệu thực tiễn quý để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn trung ương giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.