(HNM) - Việc bỏ hay không bỏ HĐND quận, huyện, phường dường như đã khép lại khi Hiến pháp năm 2013 khẳng định, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
Song, việc này hiện đang gây nên cuộc tranh luận về tính khả thi, tính logic khi Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đề xuất một phương án tổ chức chính quyền đô thị sẽ không có HĐND quận, phường.
Phương án tổ chức chính quyền đô thị không có HĐND quận, phường đang gây nhiều tranh luận. Ảnh: Duy Tường |
Cần hỏi ý kiến nhân dân
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương với nhiều điểm mới như, phân định rõ thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, hải đảo… đã nhận được sự quan tâm của dư luận ngay khi công bố. Bởi, cơ quan soạn thảo dự án luật đã đề xuất hai phương án tổ chức mô hình chính quyền địa phương. Trong đó, với phương án một, quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo 3 địa bàn. Đối với địa bàn nông thôn được xác định là các đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã (bao gồm cả huyện, xã thuộc khu vực ngoại thành của thành phố, thị xã) và địa bàn đô thị (thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TƯ và thị trấn) đều tổ chức HĐND và UBND. Riêng phường thuộc quận; phường thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh và phường thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc TƯ không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là chính quyền địa phương của quận, phường. Đối với địa bàn hải đảo, hiện nay có nhiều nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã (Côn Đảo, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa), định hướng là sẽ vẫn giữ đặc thù này.
Chủ trương trên khiến không ít người ngạc nhiên. Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Văn Thuận căn cứ Điều 111 của Hiến pháp năm 2013, chính quyền địa phương phải được tổ chức ở tất cả đơn vị hành chính. Vì thế, không thể có việc ở chỗ này không có HĐND mà lại có UBND, nếu triển khai sẽ là vi hiến. Cũng theo ông Thuận, Nhà nước pháp quyền phải quản lý nhà nước bằng pháp luật, quyền lực phải thuộc về nhân dân; từng người một không thể tự mình làm chủ được mà phải thông qua người đại diện cho mình, đó là đại biểu HĐND. Do vậy, dù 2 cấp hay 3 cấp thì vẫn phải bảo đảm nguyên tắc: Ở đâu có UBND thì ở đó có HĐND.
Luật sư Cao Xuân Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đề nghị cẩn trọng khi bỏ HĐND quận, phường, giao chức năng giám sát và quyết định các vấn đề ở quận, phường do HĐND thành phố, thị xã thực hiện, trong khi số đại biểu chuyên trách lại rất ít. Một lý do nữa, theo ông Cao Xuân Vượng là phải tổng kết việc thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường đã thực hiện tại một số địa bàn thời gian qua, đồng thời, hỏi ý kiến nhân dân những khu vực này sau khi không tổ chức HĐND, các vấn đề bức xúc của họ có được thành phố quan tâm xử lý nhanh hơn… Chừng nào chưa đo đếm được bằng sự hài lòng của người dân, chưa nêu rõ căn cứ thì không nên bàn chủ trương bỏ HĐND quận, phường.
Chưa rõ phân cấp, phân quyền
Không chỉ việc nên hay không nên bỏ HĐND quận, phường, vấn đề bạn đọc Báo Hànộimới rất quan tâm trong thời điểm này là dự án luật chưa cụ thể hóa cấp lãnh thổ như thế nào, thẩm quyền của mỗi cấp, địa vị pháp lý ra sao để mở đường cho việc đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Tự quản địa phương là xu hướng của thế giới, điều này đã có chủ trương nhưng cũng chưa cụ thể hóa ở trong luật. Theo ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: "Tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là chấm dứt chuyện việc gì địa phương cũng phải báo cáo TƯ, nhưng ban soạn thảo dường như vẫn còn lấn cấn, không giải quyết được. Để xử lý căn cơ thì cần phân cấp, phân quyền, trong đó giao rõ chính quyền Trung ương quyết những việc gì, chính quyền địa phương quyết việc gì…".
Đứng ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nêu thực tế: Những năm vừa qua, Hà Nội đã tập trung phân cấp theo đúng quan điểm, những nhiệm vụ nào cấp chính quyền cơ sở làm tốt thì giao hẳn cho cơ sở làm để nâng cao tính chủ động trong triển khai. Song, có những việc đã giao lại phải rút về vì khi thực hiện không đủ điều kiện duy trì như, vấn đề quy hoạch hay cấp nước vì không chỉ liên quan đến một địa phương mà liên quan đến cả tuyến. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương là việc phân cấp phải bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, tăng cường giám sát, nhất là những vấn đề quan trọng, có liên quan đến đời sống của đại bộ phận người dân; cấp trên phải quyết định bộ máy của cấp dưới.
Được biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tổ chức một phiên họp toàn thể để xem xét toàn diện vấn đề nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.