(HNM) - Luật pháp là hệ thống quy định của Nhà nước về những chuẩn mực, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân. Và do vậy, tính uy nghiêm của pháp luật là tối thượng, không thể tranh cãi.
Quy định như vậy, nguyên tắc như vậy, ai cũng hiểu nhưng trong thực tế không phải mọi chuyện đều như vậy. Nhất là trong lĩnh vực giao thông.
Nghị định 34 của Chính phủ là một biện pháp bắt buộc để lập lại kỷ cương, phép nước trong lĩnh vực phức tạp này. Và có thể đây cũng là một "phép thử" để đưa ra những nghị định tương tự trong các lĩnh vực khác.
Theo nghị định, nhiều vi phạm trước đây thường được bỏ qua nay sẽ bị xử lý nặng, thậm chí rất nặng, áp dụng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đã những tưởng "chuyện cổ tích" về người đi bộ gây ra tai nạn bị tòa xử phạt cách đây mấy năm ở TP Hồ Chí Minh đi vào quên lãng thì nay, trong Nghị định 34, vấn đề "đi bộ" được đặt ra rất nghiêm túc. Và hơn tất cả là quan niệm về "trách nhiệm", khi xảy ra tai nạn đã sát thực hơn, sai là người phạm luật chứ không phải người có phương tiện tốt hơn. Và người đi bộ cũng bình đẳng như mọi người có phương tiện giao thông.
Những mức phạt trong Nghị định 34 là những biện pháp bắt buộc. Những người lập pháp đều biết rằng tính uy nghiêm của pháp luật không ở chỗ hình phạt nặng nề, mà trước hết là ở tính tất yếu của hình phạt - mọi vi phạm, do bất kỳ ai gây ra, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào - cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân, nguyên tắc cơ bản ấy không được tuân thủ nghiêm túc nên luật "bị nhờn".
Luật "bị nhờn" còn vì vẫn tồn tại những quan niệm không đúng về nguyên tắc, quy định hành pháp. Thừa hành pháp luật là việc nghiêm túc, thường xuyên, hằng ngày, vậy mà trong không ít trường hợp chỗ này, chỗ kia lại rộ lên "phong trào" thực thi luật pháp. Mà là "phong trào" nên lúc nóng, lúc lạnh; nơi làm, nơi không...
Luật pháp uy nghiêm, được công dân tôn trọng và thực hiện nghiêm túc còn vì tính thực tiễn, tính khả thi của nó; và vì khả năng kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Nghị định 34 xuất phát từ thực tiễn, bức xúc cuộc sống và mong mỏi của xã hội. Vấn đề là đã chuẩn bị đủ điều kiện - con người và vật chất - để bảo đảm thực hiện thành công như dự tính? Câu hỏi này không thừa. Không ít lãnh đạo cũng như nhân viên các cơ quan, địa phương có trách nhiệm thực thi nói rằng, khó khăn lớn nhất là "nhân tài, vật lực": Việc rất nhiều, lại phải làm hầu như cùng một lúc nên thiếu người quá; phương tiện liên lạc, theo dõi và cưỡng bức để giải tỏa khi cần thiết thiếu nhiều...
Và còn một chuyện tưởng như chẳng có gì mà khi nó xảy ra chưa thấy có lời giải. Đó là phạt người đi bộ.
Phạt làm sao được khi người đi bộ phải đi dưới đường do vỉa hè không còn chỗ (đoạn đã được thuê; đoạn đầy xe máy...); người đi bộ vi phạm không có, hoặc không đủ tiền phạt sẽ xử lý sao?
Nếu nghiêm túc thì mỗi sáng tại một ngã tư, người thực thi pháp luật có thể giữ dăm ba người đi bộ. Nhưng giữ họ thế nào?... Liệu có thể thay phạt tiền bằng lao động công ích?
Luật pháp không thể không uy nghiêm, nhưng để bảo đảm được nguyên tắc tối thượng đó cần một bộ máy hành pháp đồng bộ và chuẩn xác.
Hiệu quả thực hiện Nghị định 34 sẽ là một bài học lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.