Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình trạng giết mổ gia cầm sống tại chợ dân sinh: Cần khẩn trương loại bỏ

Ngọc Quỳnh| 09/03/2020 07:25

(HNM) - Thời điểm hiện tại, bệnh cúm gia cầm là rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra ở các chợ dân sinh, khu tập trung dân cư ở nội thành và cả ngoại thành. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia cầm sống tại chợ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế mầm bệnh cúm gia cầm phát sinh.

Hầu hết các chợ truyền thống còn diễn ra tình trạng giết mổ gia cầm ngay tại nơi bán, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Khắc Nam

Thực trạng đáng lo ngại

Tại chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) có hàng chục hộ buôn bán gia cầm sống và giết mổ ngay tại chợ cho khách hàng khi có nhu cầu. Bà Trần Thị Loan, tiểu thương tại chợ cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 10-20 con gia cầm sống và hầu như khách hàng đều nhờ giết mổ, làm sạch luôn. Nếu không làm thì họ sẽ không mua và sang cửa hàng khác”.

Các hoạt động tương tự cũng diễn ra tại chợ Phương Trung (huyện Thanh Oai), bà Phạm Thị Nga, một tiểu thương cho hay: "Không chỉ giết mổ gia cầm sống cho khách hàng tới mua tại cửa hàng, tôi còn giết mổ thuê với giá 10.000 đồng/con gà, 20.000 đồng/con với vịt, ngan cho người dân đến đây thuê giết mổ...".

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); chợ Vồ, chợ Hà Đông (quận Hà Đông); chợ Phương Trung (huyện Thanh Oai)… hầu hết các hộ giết mổ gia cầm ngay trên nền chợ, sau đó, lông gà, vịt được thu gom vào túi, vứt ngay ở bãi rác tại chợ... Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho mầm bệnh cúm gia cầm phát sinh. Đáng nói hơn, những hệ lụy của việc giết mổ gia cầm sống ở các chợ dân sinh đã được cảnh báo nhưng chưa có chuyển biến.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên trong đó có việc người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng gia cầm giết mổ sống. Bà Bùi Thị Hồng Anh, ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết: “Khi gia đình có nhu cầu sử dụng thịt gà, vịt, tôi đều ra chợ gần nhà mua và nhờ họ giết mổ sống luôn. Như vậy thịt gia cầm vừa tươi và vừa ngon”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội), nhiều người kinh doanh, buôn bán giết mổ vì lợi nhuận, bất chấp những hệ lụy có thể ảnh hưởng đến với cộng đồng. Trong khi đó, tại Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 5-7-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội thì việc quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung, giết mổ nhỏ lẻ là thẩm quyền của UBND các cấp. Thế nên khi phát hiện vi phạm, cán bộ thú y chỉ nhắc nhở, rất khó xử lý vi phạm...

Triển khai nhiều giải pháp

Bệnh cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, để hạn chế sự phát sinh mầm bệnh từ việc giết mổ tại chợ dân sinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, chi cục đang tập trung chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, tham mưu chính quyền địa phương xử lý nghiêm vi phạm, tiến tới chấm dứt việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các chợ để đưa vào giết mổ tập trung. Từ đầu tháng 3, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai 2 đoàn kiểm tra thực tế việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại xã, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi, thu gom, giết mổ động vật, kinh doanh, bảo quản, sơ chế sản phẩm động vật. Cho đến cuối tháng 5, Sở sẽ tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra việc này. Ngoài ra, Sở cũng kiểm tra hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật liên ngành, các chợ có kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật... và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm.

Để hạn chế việc giết mổ nhỏ lẻ trong các chợ dân sinh, khu tập trung đông dân cư, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Văn Quán Bạch Đăng Công (quận Hà Đông) cho biết, các lực lượng chức năng của phường sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người kinh doanh về những bất cập, nguy hiểm của việc giết mổ tại chợ như không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường... Đối với những hộ kinh doanh giết mổ tại chợ tạm không đáp ứng đủ yêu cầu, lực lượng chức năng sẽ tịch thu sản phẩm và xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Cùng với những giải pháp "mạnh" nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết: Huyện cũng đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm…; phấn đấu đến cuối năm 2020 có 80% sản phẩm gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường sẽ được giết mổ tại điểm giết mổ tập trung, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia cầm sống tại các chợ.

Một điều vô cùng quan trọng để loại trừ vấn nạn nêu trên là người tiêu dùng cần thay đổi thói quen thay vì gia cầm sống nên sử dụng những sản phẩm đã qua giết mổ công nghiệp có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ dịch bệnh trên gia cầm là rất đáng quan ngại, do vậy các cấp, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp để xóa bỏ tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ dân sinh.

Hiện tổng số chợ có kinh doanh động vật, sản phẩm động vật ở các quận là 396 chợ. Trong đó, chợ được chính quyền cho phép và quản lý là 138; chợ cóc, chợ tạm họp trái phép, không có ban quản lý chợ là 258 (chiếm tỷ lệ hơn 65% tổng số chợ). Hiện nay, tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 30%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng giết mổ gia cầm sống tại chợ dân sinh: Cần khẩn trương loại bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.