(HNM) - Trong những ngày gần đây, tình trạng sữa ngoại nhập khẩu giá cao bất thường khiến người tiêu dùng bức xúc...
Chị Vũ Thị Phương Mai,phường Định Công (Hoàng Mai): Người tiêu dùng đang bị "móc túi"
Giá của một số sản phẩm sữa bột khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ từ 80.000 đến 100.000 đồng/hộp, nhưng khi đến tay người tiêu dùng đã bị đội lên 400.000-900.000 đồng/hộp. Với mức giá thế này khác gì người tiêu dùng đang bị "móc túi" một cách trắng trợn. Các cơ sở kinh doanh, phân phối sữa luôn đưa ra lý do tăng giá vì nguyên vật liệu tăng, nhưng có tăng thật sự hay không và tăng bao nhiêu, cơ cấu giá thế nào thì người tiêu dùng đành bất lực. Điều này cho thấy tầm nhìn của cơ quan chức năng còn hạn chế nên đã để các hãng sữa "qua mặt", hoặc các cơ quan chức năng đang buông lỏng quản lý khiến các doanh nghiệp "làm mưa, làm gió", lũng đoạn thị trường. Tôi mong rằng, việc này cần quy trách nhiệm cụ thể để người tiêu dùng khỏi chịu cảnh bị "móc túi" như hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Hoan, phường La Khê, quận Hà Đông: Giá sữa đang bị thả nổi
Gia đình tôi có hai con nhỏ, thường xuyên phải mua sữa bột cho con nên mỗi khi thấy cửa hàng thông báo giá mới lại thấy lo. Tuy nhiên, cũng chẳng còn cách nào khác vì không mua thì lấy gì cho con ăn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây có thể thấy, câu chuyện tăng giá sữa năm nào cũng diễn ra và năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, thế nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc giá sữa bị thả nổi, còn người tiêu dùng phải "nai lưng" gánh chịu mà không biết kêu ai.
Chị Nguyễn Huyền Linh, phường Trung Liệt (Đống Đa):Cần bịt ngay "lỗ hổng"
Dựa trên ý kiến của một số chuyên gia, nhiều phương tiện thông tin cho rằng do các hãng sữa ngoại đổi tên sản phẩm thành "thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng", "thức ăn công thức", "sản phẩm dinh dưỡng"… nên đã nghiễm nhiên ra khỏi danh sách sản phẩm bình ổn giá, nghĩa là không phải đăng ký giá với Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính. Theo lý giải của Bộ Y tế thì việc "thay tên đổi họ" là để theo đúng quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế, nhưng Luật Giá (có hiệu lực từ 1-1-2013) thì chỉ quy định những sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới thuộc danh mục hàng bình ổn giá và đăng ký giá với Bộ Tài chính. Như vậy, chỉ với một động thái rất đơn giản các hãng sữa đã tự do thao túng giá thị trường. Việc này cho thấy công tác quản lý còn quá nặng về hình thức, chưa chú trọng đến nội dung nên đã dẫn đến thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng.
Chị Kiều Thị Lan, phường Kim Liên, quận Đống Đa: Xử lý mạnh tay
Thực tế cho thấy, mặc dù giá sữa liên tục tăng nhưng chưa thấy doanh nghiệp nào bị xử lý. Cứ với đà tăng giá sữa liên tục qua các năm và chưa một lần giảm giá như hiện nay, nếu các cơ quan quản lý vẫn không tìm được giải pháp kiểm soát giá hữu hiệu thì người dùng sữa sẽ mãi phải chịu thiệt. Hy vọng, tới đây cơ quan chức năng sẽ mạnh tay đối với những hành vi thao túng giá của các hãng sữa ngoại trên thị trường Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời tạo sự cạnh tranh công bằng cho các nhà sản xuất sữa nội địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.