Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình thương và trách nhiệm

Dục Tú| 12/01/2012 07:26

(HNM) - Tối 10-1, xem VTV1 phát sóng phóng sự về một lớp học ở vùng cao Bắc Cạn, có lẽ ai cũng thấy nhói lòng, đắng nghẹn khi thấy trẻ mới vào độ tập viết chữ, đánh vần, nghĩa là còn nhỏ lắm, ngồi trong lớp học mà mặt mày tím tái vì lạnh, run rẩy, đến nỗi cô giáo phải bỏ phần tập viết, chỉ cho trò tập đánh vần.

1. Tối 10-1, xem VTV1 phát sóng phóng sự về một lớp học ở vùng cao Bắc Cạn, có lẽ ai cũng thấy nhói lòng, đắng nghẹn khi thấy trẻ mới vào độ tập viết chữ, đánh vần, nghĩa là còn nhỏ lắm, ngồi trong lớp học mà mặt mày tím tái vì lạnh, run rẩy, đến nỗi cô giáo phải bỏ phần tập viết, chỉ cho trò tập đánh vần.

Gọi là lớp cho sang, chứ kỳ thực cái lớp học tạm ấy trống hơ hoác. Cửa sổ không có, cửa đi tạm bợ, gió lùa từng cơn giữa những ngày rét nhất của mùa đông này. Những hôm lớp đủ, giáo viên phải đốt đống lửa giữa lớp cho trẻ đỡ run. Có đứa giữa đông, lạnh dưới mười độ mà phong phanh hai áo cánh mỏng, nhiều đứa khác chân trần tới lớp, da dẻ nứt toác, ho sù sụ. Cô giáo kể lại, có ngày rét quá, trẻ nghỉ hết cả, lớp chỉ còn hai cô - trò, vừa duy trì việc dạy - học vừa nghĩ vẩn vơ, rằng cứ thế này không biết còn bé nào đi học nữa không. "Cấp trên" chỉ thị cho phòng giáo dục huyện phải tăng cường giữ ấm cho học sinh, chẳng hạn như với nhà học tạm thì phải mua bao bì, vải nilon quây kín những chỗ hở. Giải pháp rất là "giản dị", vậy mà phía thực hiện vẫn phải kêu khó. Huyện vùng cao, biết bao lớp học tạm, lấy đâu ra tiền cho đủ. Nói vậy, nghĩa là thiếu thốn vô cùng, đến trẻ em, như người ta nói là "búp trên cành", "tương lai của đất nước" mà còn phải buông xuôi, không lo nổi cho chúng.

Chuyện kể trên không chỉ có ở Bắc Cạn. Tuần trước, đồng nghiệp theo đoàn trao quà Tết ở Lai Châu về, kể chuyện đến thăm xã biên giới Tung Qua Lìn, thuộc diện đặc biệt nghèo của tỉnh, mới rõ hơn nước mình còn nhiều người, nhiều nơi khổ quá. Trẻ ở xã ấy đứng co ro nhận quà Tết sớm, nhìn chúng chân trần, phong phanh trong giá lạnh, người đến trao quà lại thấy tủi thân vì mình không thể quyên góp giúp chúng được nhiều hơn…

Chỉ nói ở miền Bắc này thôi, liệu còn bao nhiêu trẻ phải chịu cảnh thiếu thốn đủ đường?

2. Tự nhiên lại nghĩ đến khoản tiền hơn 6.600 tỷ đồng mà các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cam kết ủng hộ người nghèo trong năm 2012 thông qua chương trình "Nối vòng tay lớn". Năm 2011, chỉ riêng số tiền mà các cấp MTTQ TP Hà Nội vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo và An sinh xã hội đã đạt mức 250 tỷ đồng… Những khoản tiền ấy, nói lớn là phải, nhưng nói là nhỏ cũng không sai, bởi số tiền vài nghìn tỷ có lẽ không thấm tháp gì so với những gì mà người nghèo Việt Nam cần hỗ trợ.

Tình thương đã rõ, trách nhiệm xã hội lại càng rõ hơn, thông qua những biểu hiện, hành động cụ thể hỗ trợ người nghèo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Điều quan trọng lúc này, sau những giải pháp đã được thực hiện, sau hiệu quả từ những giải pháp ấy và hiện thực xã hội vốn vẫn còn những người quá khổ, có lẽ là hướng các giải pháp vào mục tiêu xóa nghèo từ gốc. Những khoản tiền hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, dù lớn đến đâu nhưng nếu chia đều nghìn, vạn suất quà, hẳn không mang lại hiệu quả bằng tập trung cho mục tiêu cơ bản, như giáo dục, việc làm ở những nơi khó khăn.

Người Việt Nam nói chung thấu hiểu truyền thống "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân", nhưng cũng còn nhiều cá nhân có hành động khác lạ với truyền thống ấy. Người ta bỏ tiền tỷ cho một chuyến khoe xe đẹp từ Bắc chí Nam, có hẳn một "kênh" truyền hình "tiền hô hậu ủng". Một người đẹp có danh "tiêu biểu" nhất định tìm cách khẳng định cái áo mà mình mặc xứng giá cỡ gần tỷ đồng. Biết bao người tìm ăn một bát phở sáng có giá còn hơn thu nhập tháng của cô giáo vùng cao, đơn giản chỉ là để thể hiện "đẳng cấp"... Tuyên truyền, vận động làm sao đây để thực sự mỗi người thể hiện trách nhiệm và tình thương người nghèo một cách thiết thực, từ tâm?

Như Tết này, niềm vui liệu có trọn vẹn nếu trước mắt hiện lên cảnh các cháu học sinh Bắc Cạn, Lai Châu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình thương và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.