Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh tế, nhẹ nhàng với “Món ngon & gia vị cảm xúc”

T.Minh| 01/04/2015 11:05

(HNMO)- Không có những câu văn màu mè, ngôn ngữ bóng bẩy, những lời văn của nhà thơ Trần Tiến Dũng trong tập sách “Món ngon & gia vị cảm xúc” thật nhẹ nhàng, tinh tế, giàu cảm xúc.

“Món ngon gia vị & cảm xúc” được Công ty VH&TT Liên Việt xuất bản, chính thức được phát hành trên toàn quốc từ ngày 1/4/2015.

Được viết với tâm thế không coi đây là một cuốn cẩm nang về ẩm thực đất Sài Gòn, mà chỉ là “cần một cuộc chơi chung quanh các món ngon để ý thức rằng, không có sự sáng tạo văn chương nghệ thuật nào có thể tồn tại nếu các món ăn từ bữa ăn thường ngày không hàm dưỡng cho chúng tôi những chi tiết cốt lõi của sự sống”, nhà thơ Trần Tiến Dũng đã tập hợp các bài viết về ẩm thực của mình trong lần xuất bản này.


Các món ăn bình dân quen thuộc của đất Sài Gòn như chè ngọt khu Chợ Lớn, bánh mỳ, bánh bèo, chuối nướng, hủ tíu… đều có điểm khác biệt nhất định. Người đọc có lẽ sẽ nhận ra rằng, phải yêu quý, gắn bó biết bao nhiêu với những điều giản đơn như thế thì mới có những câu chữ gọn gàng, tinh tế nhường vậy.

Trong tâm thức của “anh nhà thơ” (lời tác giả) thì “hàng chuối chiên của má là nỗi vất vả mưu sinh, nhưng với anh mâm chuối chiên là niềm tự hào của tuôi thơ vì biết phụ giúp gia đình”. Món chuối nướng khi đó không đơn giản chỉ là món ăn nữa, mà là thứ cảm xúc chỉ người con xứ này mới hiểu được. “Nếu ai đó cho rằng thứ chuối nướng đơn giản đó sao có thể gọi là hiếm có trên đời được, nói như vậy thì chắc rằng người đó không có duyên sanh ra là con nông dân Nam kỳ, chỉ ai từng là con nhà nông dân mới chọn chuối vừa hườm để nướng. Trái chuối hườm nướng bếp lửa chính là sự hòa huyện làm nên hương vị tinh hoa của cây trái nguyên sơ và lửa, khói hàm dưỡng sự sống”.

Không phải tự nhiên bánh mì được người nước ngoài bình chọn là 1 trong 12 món ăn ngon nhất thế giới! Bánh mì dễ ăn, dễ biến tấu, dễ mang đi, lại rẻ, ăn no và vừa bụng. Món bánh mì quen thuộc là thế, nhưng trong nết ăn của người Sài Gòn, trong văn của Trần Tiến Dũng cũng trở nên khác biệt. Bánh mì nước tương, bánh mì chả lụa rắc tiêu ngò, bánh mì ốp la, pa tê, đủ kiểu… xen lẫn ký ức về những ngày ăn bánh mì tem phiếu, mùi bột chua chua, mốc mốc, cả mùi mối mọt dậy lên như một lời cảm ơn những tháng ngày ký ức.

Ngay cả đến các món ăn uống của xứ Bắc, như chè xu Hà Nội, bún mọc, bún riêu cua cũng dậy hương mùi nhớ. Đặc biệt, phở Hà Nội khi thành “phở Sài Gòn” với vẻ ngoài, hình ảnh đậm đà trên bàn phở Sài Gòn luôn là một đĩa rau thơm các loại, tương xay đen đỏ, bát phở trụng giá đỗ cũng đã trở thành một hình ảnh và khái niệm quen thuộc. Người ăn cũng dần mặc định là “phở Sài Gòn” chứ không còn sự phân biệt vùng miền nữa.

Như trong lời tự của cuốn sách, Trần Tiến Dũng nói rằng anh không coi đây như một cuốn cẩm nang về ẩm thực, không dạy những công thức nấu ăn, mà đây chỉ là những cảm xúc của anh đối với các món ăn quanh mình. Thứ cảm xúc nêm nếm như gia vị không thể thiếu mỗi khi tiếp xúc với một món ăn nào đó, trở thành một điều không thể thiếu hằng ngày.

“Mỗi khi tôi đói và nhất là khi tôi thấy thèm ăn, cảm giác tôi ưu tiên muốn thoả mãn chính là những món ngon quen thuộc từ gia vị đậm đà bản sắc quê nhà và đô thị đa văn hoá ẩm thực thân quen. Nhưng trên hết, để một món ngon được ngon hơn chính là tôi phải nêm thêm gia vị cảm xúc của mình; dù là người sành ăn hay người ăn chỉ cầu no thì gia vị cảm xúc ký ức và cảm xúc thực tại luôn là gia vị chính. Tôi tin, mỗi khi nhớ lại cảnh khổ đã qua hay kể lại hạnh phúc êm đềm, trong kho các hình ảnh của mỗi người luôn sáng rõ các món ăn hoặc dở hoặc ngon nhưng chắc chắn sự no và ngon có được nhờ việc nêm thêm cảm xúc cho món ăn đã giúp chúng ta thêm ham sống.” Tác giả Trần Tiến Dũng, sinh năm 1958, làm thơ và hiện sống tại Sài Gòn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tinh tế, nhẹ nhàng với “Món ngon & gia vị cảm xúc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.