(HNM) - Từ ngày 31-1 (tức ngày 26 tháng Chạp), nhiều người đã đổ ra các bến xe lớn của Thủ đô để về quê đón Tết. Tại nhiều bến xe tuy có xảy ra ùn ứ do lượng khách tập trung đông,
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, các bến xe tại Hà Nội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Anh Tuấn |
Hà Nội: Đông, nhưng không ùn tắc
Ngày 26 tháng Chạp, các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm... rất đông hành khách, song không xảy ra tình trạng quá tải. Hành khách tới bến nhanh chóng mua được vé lên xe. Tại Bến xe Mỹ Đình, em Lê Minh Tuấn, sinh viên Trường Đại học Thương mại đánh giá, khâu phục vụ hành khách của bến cũng như các nhà xe khá tốt, việc mua vé và lên xe dễ dàng.
Theo ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, trong những ngày cao điểm phục vụ Tết, lượng hành khách đổ về bến tăng từ 1,5 đến 2 lần so với ngày thường. Mỗi ngày, bến đón khoảng 18.000-20.000 lượt khách. Tuy nhiên, do đã có các phương án chuẩn bị từ trước nên hành khách không gặp trở ngại khi mua vé, lên xe bắt đầu cuộc hành trình.
Bến xe Nước Ngầm cũng nhộn nhịp ngay từ sáng sớm ngày 31-1. Nếu một số nhà xe về Đắk Nông, Cần Thơ, Sài Gòn... vẫn chưa đông thì các tuyến từ Hà Nội về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh rất tấp nập, đông nghẹt từ khu vực bán vé đến khu vực xếp khách. Trong ngày 31-1, lượng khách qua bến tăng khoảng 15-20% so với ngày thường, vào khoảng 550 lượt xe/ngày, tương ứng 20.000 lượt khách/ngày. Bến đã chủ động tăng cường phương tiện, chủ yếu về tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh để phục vụ nhân dân.
Cũng trong ngày 31-1, Đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia do Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phục vụ Tết của các bến xe trên địa bàn Thủ đô. Trong quá trình kiểm tra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao các bến xe đã bảo đảm đủ lượng xe, tần suất hoạt động phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cũng lưu ý các doanh nghiệp vận tải và bến xe cần chú trọng tuyên truyền tới các lái xe, nhắc nhở hành khách kiểm tra việc thắt dây an toàn bởi đây không phải là việc làm đối phó mà là để bảo đảm an toàn tính mạng con người. Đặc biệt, khi phát hiện lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chất kích thích thì doanh nghiệp phải thay thế ngay tài xế khác. Với việc một số doanh nghiệp vận tải đăng ký tăng giá vé, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, trong đợt cao điểm Tết, giá vé có thể tăng nhưng cần có mức tăng phù hợp. Các doanh nghiệp vận tải không thể vin cớ chạy “rỗng” một chiều để phụ thu và đề nghị được tăng bù lên tới mức 60-70%. Bộ đã yêu cầu các đơn vị vận tải giảm việc tăng vé và chỉ tăng ở mức tối đa 10-20%.
Cùng tham gia đoàn công tác, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các bến xe và cơ quan chức năng tập trung kiểm tra hàng hóa. Khi nhận gửi mô tô, xe máy phải tuyệt đối rút hết nhiên liệu trong phương tiện để phòng, chống cháy nổ.
TP Hồ Chí Minh: Sân bay kẹt cứng
Tại Ga Sài Gòn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) ngày 31-1, hàng nghìn hành khách đã tập trung về đây từ sáng sớm. Tại cửa chính hướng ra tàu, hành khách xếp hàng di chuyển lên tàu với sự hướng dẫn của nhân viên nhà ga. Điều đáng ghi nhận, sau sự cố tàu SE1 trật bánh ở Bình Thuận ngày 27-1 (thời gian cao điểm giao thông dịp Tết) khiến đường sắt Bắc - Nam ách tắc, đến nay với sự nỗ lực của cả hệ thống ngành Đường sắt, các chuyến tàu đều hoạt động trở lại bình thường, bảo đảm lịch trình. Cụ thể, sáng 31-1, hành khách được vận chuyển bằng tàu tăng cường ra Ga Bình Thuận để tiếp tục di chuyển bằng các đoàn tàu SE, SPT, giúp rút ngắn thời gian chậm tàu do sự cố tàu trật bánh vừa qua.
Sân bay Tân Sơn Nhất luôn quá tải trong dịp sát Tết Nguyên đán. |
Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng xe và người dân tập trung về bến tiếp tục đông hơn. Tuy nhiên, do chủ động tăng cường lực lượng cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương, nên công tác an ninh, trật tự được bảo đảm. Về số lượng vé cung cấp cho người dân, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, hiện tại bến có 200 đơn vị đăng ký khai thác vận tải hành khách theo tuyến cố định và đến nay, các đơn vị vẫn còn hơn 200.000 vé phục vụ người dân.
Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), trong 5 ngày giáp Tết (từ 26 tháng Chạp đến 30 Tết), trung bình bến xe phục vụ từ 60.000 đến 70.000 chuyến/ngày, nhưng hiện vẫn còn hơn 180.000 vé chưa bán.
Chiều 26 tháng Chạp năm Mậu Tuất, nhiều tuyến đường về khu vực sân bay Tân Sơn Nhất rất thông thoáng. Các tuyến đường Lạc Long Quân, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Sơn... dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất không bị ùn tắc như mọi năm. Tuy nhiên, trong khu vực sân bay, lượng người tập trung đông khiến khu vực làm thủ tục, nhà chờ luôn trong tình trạng quá tải. Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các ngày 31-1 và 1-2 là cao điểm nhất, lượng hành khách tăng đột biến...
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong dịp Tết, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để chủ động giải quyết khi sự cố xảy ra liên quan đến tình hình giao thông. Ngành Hàng không cũng lưu ý người dân nên chủ động tính toán thời gian đến khu vực làm thủ tục hàng không của sân bay trước giờ khởi hành 120 phút đối với các chuyến bay quốc nội. Ngoài ra, quầy thủ tục sẽ đóng cửa trước giờ khởi hành 40 phút đối với các chuyến bay quốc nội và 50 phút trước giờ khởi hành đối với các chuyến bay quốc tế, cửa ra tàu bay sẽ đóng trước giờ bay 15 phút. Cảng sẽ tập trung 100% quân số các bộ phận trực tiếp phục vụ hành khách làm nhiệm vụ.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiếp tục hạn chế người đưa tiễn dịp cao điểm Tết (HNM) - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vừa thông báo tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 phương án hạn chế người nhà đưa tiễn hành khách các chuyến bay quốc tế đi từ nay tới ngày 28-2 trong hai khung giờ cao điểm hằng ngày, từ 9-11h và 20-23h. Trước đó, từ ngày 15 đến 25-1, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tổ chức thử nghiệm phương án hạn chế người nhà đưa tiễn tại khu vực làm thủ tục các chuyến bay quốc tế nhằm ứng phó với tình trạng quá tải đột biến trong các khung giờ cao điểm hằng ngày. Chỉ hành khách đi máy bay, nhân viên nội bộ và các đối tượng được cấp phép mới được vào khu vực làm thủ tục hàng không. Sau 10 ngày thử nghiệm, phương án này đã giúp giảm thiểu ùn tắc cục bộ, tạo thông thoáng tại các khu vực công cộng phía trong nhà ga, hành khách thuận lợi rất nhiều khi di chuyển trong khu vực làm thủ tục hàng không; hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; giảm nguy cơ chậm chuyến bay, góp phần bảo đảm năng lực khai thác của cảng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Lương Ninh Giang |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.