Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình báo quân sự Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân| 21/03/2015 07:50

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp với nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng Tình báo quân sự Việt Nam.


Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam… Thế nhưng, Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. 

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến. (Ảnh tư liệu)


Thông tin do điệp báo chiến lược của ta lấy được trong “Mục tiêu kế hoạch chiến lược năm 1974” thể hiện rõ âm mưu thâm độc của Mỹ - Ngụy là: duy trì “thế cân bằng lực lượng” bằng cách hòa hoãn với Liên Xô, Trung Quốc để thực hiện Học thuyết Ních-xơn về “Việt Nam hóa chiến tranh” trong điều kiện có Hiệp định. Thực hiện mưu đồ đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho ngụy quân thực hiện chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, hòng “lấn đất, chiếm dân”, lập ranh giới chiếm đóng mới trước thời điểm Hiệp định Pa-ri có hiệu lực; tạo thế giằng co buộc Mỹ phải tham chiến trở lại… Những tin tức giá trị đó, kết hợp với kết quả hoạt động nắm địch trên chiến trường sau ngày ký Hiệp định, đã làm cơ sở vững chắc cho Đảng ta hoạch định chủ trương chỉ đạo chiến lược cách mạng.

Tháng 7-1973, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tổ chức Hội nghị lần thứ 21, ra Nghị quyết về thắng lợi vĩ đại của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị tập trung đánh giá những thắng lợi to lớn của quân và dân ta sau 18 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, chỉ ra một số khuyết điểm của ta từ sau Hiệp định Pa-ri được ký kết. Nghị quyết nêu rõ:Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Tháng 3-1974, Quân uỷ Trung ương đã mở hội nghị quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 21. Theo đó, lực lượng Tình báo quân sự đã được tổ chức hoạt động với nhiều hình thức, nội dung mới.

1. Lực lượng Điệp báo chiến lược được điều chỉnh lại và tổ chức thêm một số lưới có hiệu lực khác, trong đó có lưới tình báo Khu 9. Đây là lưới tình báo có cơ sở nằm sâu trong cơ quan cơ mật của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn. Những tin tức, tài liệu thu thập được từ nguồn này đều có độ chính xác và giá trị rất cao. Kết hợp với tài liệu của địch do các cơ sở điệp báo có hiệu lực khác cung cấp, như: Sách lược quốc gia năm 1975; Dự thảo kế hoạch năm 1975 trong mùa khô; Kế hoạch năm 1974-1977; Dự kiến kế hoạch 1977-1978; Báo cáo chiến lược viện trợ của Mỹ; Kế hoạch xây dựng về không quân, hải quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa… làm cơ sở quan trọng cho Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo tác chiến sát với tình hình. Đây cũng là nguồn tài liệu quý để Bộ Tổng Tham mưu đánh giá chính xác về địch, dự thảo kế hoạch chiến lược trình Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị hoàn chỉnh quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.

2. Lực lượng Trinh sát kỹ thuật (TSKT) và Trinh sát biệt động (TSBĐ) trên các chiến trường được tăng cường xây dựng. Cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, các quân đoàn chủ lực: 1, 2, 3, 4 của Quân đội ta kế tiếp nhau được thành lập. Cơ quan nắm địch ở mỗi quân đoàn được biên chế lực lượng tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu về chiến dịch và chiến đấu cho Bộ Tư lệnh quân đoàn trên từng hướng chiến dịch, chiến lược. Cơ quan quân báo cấp quân khu và mặt trận tổ chức nắm tình hình, nghi binh lừa địch cấp chiến dịch và một phần cấp chiến lược, tạo thành mạng lưới trinh sát ba thứ quân và mạng lưới tình báo nhân dân rộng khắp.
Khi lực lượng chủ lực của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 và các trung đoàn: 40, 234, 273, 675 được điều động về Buôn Ma Thuột nhận nhiệm vụ mới, nhưng hệ thống điện đài của các đơn vị này vẫn giữ nguyên vị trí cũ và liên tục phát đi các bức điện, báo cáo, mệnh lệnh giả với tần suất cao, chờ Sư đoàn 968 (thiếu) từ Lào về tiếp quản sử dụng. Sở Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên cũng để lại và duy trì hoạt động của các bộ máy điện đài 15W (loại dùng cho sở chỉ huy sư đoàn trở lên) tại K'Leng, Bắc Võ Định, Điểm cao 518 bên Đường 19 Đông. Lực lượng an ninh giải phóng Plây-cu và Kon Tum còn “bố trí người vào tìm thân nhân” trong khu vực do quân đội Sài Gòn kiểm soát để phao tin Quân Giải phóng sắp đánh lớn vào Kon Tum và Plây-cu. Dân chúng sống trong các vùng do Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam kiểm soát, ở các khu vực Đông, Bắc và Tây Plây-cu, Kon Tum làm nhiều cờ hoa, biểu ngữ với nội dung chào mừng Plây-cu và Kon Tum được giải phóng. Cách tổ chức sử dụng lực lượng và thủ đoạn nghi binh đó, đã góp phần giữ tuyệt đối bí mật ý định tác chiến của ta, làm cho địch lạc hướng phòng thủ.

3. Đoàn Biệt động 316 và Đoàn 21 TSKT được thành lập trên chiến trường trọng điểm Nam Bộ, bảo đảm đủ mạnh cả về tổ chức và lực lượng, kịp thời phục vụ đắc lực cho Bộ Tư lệnh Miền trong đợt hoạt động mùa khô năm 1975. Đợt đầu thực hiện Kế hoạch tác chiến năm 1975, Đoàn đã cùng với TSBĐ phục vụ đánh địch ở Phước Long (ngày 06-01-1975) giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam. Ngày 07-01-1975, Liên đội 7 Trinh sát đã tiêu diệt gọn Trung tâm Thông tin chiến lược của Mỹ ở phía Nam Đông Dương, trên núi Bà Đen. Những thắng lợi đó đã làm cho tư tưởng, ý chí chiến đấu của địch bị dao động, buộc Mỹ phải chùn bước. Ngày 09-01-1975, Đại sứ quán Mỹ đã báo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết: “Việc yểm trợ bằng máy bay Mỹ lúc này chưa được phép”.
Thông qua các nguồn tin tình báo, biết rằng: Mỹ - ngụy nhận định trong năm 1975, ta không đánh lớn bằng năm 1972. Trong khi ta chọn Buôn Mê Thuột làm mục tiêu chủ yếu trong Chiến dịch Tây Nguyên, thì địch lại cho rằng, ta chọn Plây-cu là hướng trọng điểm. Thời gian này, Đại đội 7, Tiểu đoàn 74 trinh sát từng phục vụ trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, được điều động về Buôn Ma Thuột để cùng với các đơn vị bạn hoàn tất công tác chuẩn bị chiến trường, bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu bí mật cơ động chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định. Ngày 10-3-1975, trận đánh Buôn Ma Thuột mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên. Ngay từ những phút đầu của cuộc tiến công, TSKT của ta đã liên tục theo dõi, nắm chắc lực lượng địch tăng cường phản kích, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ Chỉ huy chiến dịch. Nhờ đó, chỉ sau hai ngày chiến đấu, ta đã đập tan một mảng lớn trong hệ thống phòng thủ của địch trên Chiến trường Tây Nguyên. Khi TSKT của ta phát hiện được địch chuẩn bị bỏ Plây-cu và Kon Tum, tháo chạy theo Đường 7, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Mặt trận đã kịp thời chỉ thị cho bộ đội ta nhanh chóng tổ chức lực lượng chặn đánh, truy kích và tiêu diệt hoàn toàn quân địch.

Ngày 19-3-1975, địch rút quân khỏi thị xã Quảng Trị, bỏ Huế để về “tử thủ Đà Nẵng”, TSKT đã kịp thời phát hiện và báo cáo, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho bộ đội ta tiêu diệt quân địch trên đường tháo chạy về cửa Thuận An và “thần tốc” tiêu diệt lực lượng địch trước khi chúng kịp co cụm về Đà Nẵng. Với những thắng lợi có ý nghĩa then chốt đó, ngày 29-3-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa, vào khoảng tháng 4-1975”.

Sau những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta, dọc duyên hải miền Trung, quần đảo Trường Sa và một vùng rộng lớn liên hoàn ở phía Bắc, Tây Bắc miền Đông Nam Bộ được giải phóng. Các cụm điệp báo chiến lược, lực lượng TSBĐ, TSKT tiếp tục áp sát Sài Gòn, triển khai lực lượng trên các hướng tiến công của Chiến dịch, cắm sâu vào sào huyệt của địch, liên tục cung cấp thông tin tình báo phục vụ chỉ đạo, chỉ huy tác chiến.

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, với tên gọi: “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Ngày 26-4-1975, cùng với các cánh quân của ta trên từng hướng tiến công chủ yếu, lực lượng Tình báo J22 thâm nhập sâu vào nội đô Sài Gòn. Một số điệp báo vào tác động Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng. Nhiều cán bộ tình báo trực tiếp vận động quần chúng nổi dậy tham gia Chiến dịch. Ngày 30-4-1975, cùng với sự nổi dậy rộng khắp của quần chúng trong và ngoài thành phố, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, biệt động, tự vệ và các cánh quân của bộ đội chủ lực đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn - Gia Định, như: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã bị bắt, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng.

Chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc cách đây đã 40 năm. Đất nước ta đã hòa bình, độc lập; nhân dân ta được hưởng tự do, hạnh phúc. Thế và lực của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Song, các thế lực thù địch, phản động không bao giờ ngưng nghỉ hoạt động chống phá cách mạng nước ta, với các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới vẫn thường xuyên đặt ra những yêu cầu rất cao, không thể lơ là, mất cảnh giác. Những kinh nghiệm quý báu của Tình báo quân sự trong Đại thắng mùa Xuân 1975, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát huy một cách sáng tạo, để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình báo quân sự Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.