Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín nhiệm không chỉ là lá phiếu!

Tuấn Kiệt| 15/11/2014 06:26

(HNM) - Lấy tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn - chuyện không


Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số người đã không hoàn thành tốt nhất trách nhiệm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri, vì thế việc lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết. Đây có thể là một lần "sát hạch" để họ "soi" lại mình, để những người đại diện cho cử tri cả nước đánh giá về mức độ tín nhiệm đối với họ.

Tuy việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là bỏ phiếu "bất tín nhiệm", nhưng nó đã trở thành động lực để nhiều vị chủ động hơn trong điều hành công việc. Tức là việc lấy phiếu tín nhiệm đã mang lại nhiều tác dụng trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Số phiếu tín nhiệm chính là điểm tựa để các vị, đặc biệt là các "tư lệnh" ngành phấn đấu, rèn luyện nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Với những ngành càng liên quan nhiều đến đời sống, đến an sinh xã hội như y tế, giáo dục, tòa án, công an… thì việc lấy phiếu tín nhiệm càng có ý nghĩa.

Trước mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, thông qua các cơ quan truyền thông, người dân đã thể hiện mạnh mẽ hơn thái độ của mình đối với việc điều hành công vụ của những người đã được Quốc hội lựa chọn vào các chức danh. Còn ở diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu và cả các vị "tư lệnh" ngành đã rất tích cực trong việc tham gia chất vấn, hoặc giải đáp nhiều vấn đề còn thắc mắc trong cử tri. Nhiều vị tích cực tiếp xúc với báo chí, phần nào thể hiện sự chủ động và minh bạch; đồng thời qua đó cũng thể hiện rõ sự sâu sát đối với lĩnh vực mà họ được trao trách nhiệm quản lý.

Các vị đại biểu Quốc hội hay rộng hơn là nhân dân, đều quan tâm sát sao theo dõi quá trình hoạt động của những vị được Quốc hội bầu chọn hoặc phê chuẩn vào các chức danh lãnh đạo. Vấn đề mà cử tri, người dân đặt ra chính là hiệu quả công tác thực sự của họ. Do vậy, tín nhiệm không chỉ là lá phiếu. Sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 đã có nhiều sự chuyển biến rõ nét ở nhiều vị "tư lệnh" ngành. Rõ ràng, việc lấy phiếu tín nhiệm đã làm cho nhiều vị lãnh đạo ý thức hơn trách nhiệm đối với chức trách của mình và đối với nhân dân… Bởi vậy, cử tri kỳ vọng, kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm hôm nay sẽ đưa ra những thang bậc tín nhiệm chính xác của từng người giữ chức vụ phải lấy phiếu, để góp phần làm cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín nhiệm không chỉ là lá phiếu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.