(HNM) - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa tuyên bố hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới trong năm 2020 xuống gần 1/5 so với dự kiến ban đầu. Nguyên nhân xuất phát từ sự sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ bởi dịch bệnh do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
OPEC cho biết, sự bùng phát của dịch bệnh tại Trung Quốc hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định trên. Thời gian qua, nhiều thành phố của quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Nhiều hãng hàng không quốc tế cũng đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc. Theo OPEC, những gián đoạn nêu trên sẽ tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh tế, gây suy giảm nhu cầu vận tải và đi lại trên quy mô toàn cầu. Kể từ khi bệnh dịch bùng phát, nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế hàng đầu châu Á đã giảm 3 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 20%.
Trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường lớn về tiêu thụ dầu mỏ trong những năm gần đây, sự suy giảm trên tất yếu sẽ kéo biểu đồ tăng trưởng dầu thế giới đi xuống. Do đó, OPEC đã hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 0,99 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức dự báo 1,22 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước.
Việc tiêu thụ dầu mỏ giảm mạnh chắc chắn sẽ tác động tới các thành viên OPEC. Theo cơ quan nghiên cứu tại Vienna (Áo) của OPEC, trong tháng 1-2020, các thành viên tổ chức này đã sản xuất khoảng 28,86 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu duy trì mức sản lượng này sang quý II-2020, mỗi ngày số dầu dư ra sẽ lên tới 570.000 thùng. Thêm vào đó, việc giá dầu giảm tuần thứ 5 liên tiếp do những tác động của dịch bệnh cũng gây ra nhiều quan ngại. Ngay đầu tuần này, giá dầu chạm đáy mới khiến Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trong OPEC - phải kêu gọi họp khẩn cấp để xem xét cắt giảm thêm sản lượng nhằm tiếp tục duy trì niềm tin cho các nhà đầu tư.
Cùng với đó, một ủy ban gồm các chuyên gia kỹ thuật của OPEC+ (liên minh gồm các thành viên OPEC và một số quốc gia ngoài tổ chức như Nga) cũng đã khuyến nghị giảm thêm 600.000 thùng/ngày để bù đắp tác động tiêu cực của dịch bệnh do Covid-19, nhưng đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận từ Nga. Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, nước này cần thêm thời gian để quyết định có nên cắt giảm sản lượng bổ sung do OPEC đề xuất hay không vì tin rằng, tăng trưởng sản xuất dầu thô của Mỹ có thể chậm lại trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn vững chắc. Tuy nhiên, cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ dự báo, sản lượng dầu thô của nước này ngày càng cao hơn qua các năm, có thể đạt ngưỡng 15-16 triệu thùng/ngày trong thời gian tới.
Dẫu vậy, những dự báo về khả năng dịch bệnh do Covid-19 sẽ sớm chạm đỉnh đã phần nào đem lại kết quả tích cực cho thị trường “vàng đen”. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13-2, giá dầu Brent đã tăng 3,1% lên 55,7 USD thùng. Giá dầu WTI tăng 2,6% lên 51,2% thùng. Song, sự cải thiện này vẫn rất hạn chế bởi giới chuyên môn cho rằng con số trung bình 55 USD/thùng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết để các thành viên OPEC đủ ngân sách chi trả cho mọi khoản chi tiêu chính phủ.
Chịu tác động lập tức từ mọi biến động ở phạm vi toàn cầu, giá dầu được cho là sẽ khó có khả năng cất cánh trong tương lai gần khi dịch bệnh do Covid-19 chắc chắn sẽ để lại nhiều ảnh hưởng không thuận lợi đến kinh tế Trung Quốc và thế giới. Quyết định hạ dự báo tăng trưởng dầu của OPEC cũng phản ánh nhận thức này và là cơ sở để các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cân nhắc những bước đi tiếp theo nhằm ổn định thị trường dầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.