Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm vật liệu san nền thay thế cát sông

Minh Điền| 02/11/2022 07:02

(HNM) - Hàng loạt dự án đường bộ đang và sẽ được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long dẫn tới nhu cầu sử dụng cát san lấp nền tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều mỏ cát trong vùng đang dần cạn. Để khắc phục tình trạng này, các cấp, ngành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp tìm vật liệu san nền thay thế.

Nhiều dự án san lấp, đắp nền đường giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải tìm nguồn vật liệu mới để thay thế nguồn cát sông đang dần cạn.

Cầu tăng cao, cung hạn chế

Trong năm 2022 và 2023, hàng loạt dự án đường bộ được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình trong số này là các cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp); cao tốc Cần Thơ - Cà Mau… Cùng với đó, nhiều địa phương trong vùng cũng khởi công xây dựng các dự án hạ tầng đường bộ. Tính chung, nhu cầu cát xây dựng san lấp nền đường tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2025 là hơn 40 triệu mét khối. Trước mắt, trong năm 2023, toàn vùng cần hơn 16 triệu mét khối.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, nguồn cung cát san lấp, cát xây dựng trong vùng đang thiếu. Hiện các mỏ cát lớn nhất vùng nằm tại các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu với trữ lượng tại các mỏ đang khai thác lên đến 23 triệu mét khối. Nhưng cát ở đây có chất lượng cát kém do hạt mịn và lẫn nhiều tạp chất, không bảo đảm chất lượng vật liệu san lấp nền đường.

Cát chất lượng cao hơn nằm ở thượng lưu hai con sông lớn này, trên địa phận các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, nhưng trữ lượng các mỏ cát đang khai thác chỉ còn khoảng 9,4 triệu mét khối. Trữ lượng các mỏ trong quy hoạch là hơn 88 triệu mét khối.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, trong năm 2022, nhu cầu cát phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn khoảng 16 triệu mét khối, nhưng trữ lượng tối đa của các mỏ cát đang khai thác trên địa bàn chỉ còn hơn 6 triệu mét khối. Đến năm 2025, Đồng Tháp còn cần đến 37 triệu mét khối cát san lấp nữa. Báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: Các nhà thầu thi công 10 dự án do đơn vị quản lý đều đang gặp khó khăn về nguồn cung cát xây dựng.

Tại tỉnh An Giang, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh có chiều dài 57km dự kiến dùng đến 6 triệu mét khối cát san nền. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Tỉnh đang có 9 mỏ khai thác với tổng trữ lượng hơn 19 triệu mét khối. Tuy nhiên, cát không chỉ đắp nền cho đoạn cao tốc qua tỉnh mà còn cho các đoạn khác nên dự kiến sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu”.

Thực hiện nhiều giải pháp

Để khắc phục tình trạng cung ít, cầu nhiều, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cường mở mỏ cát mới, nâng cao công suất khai thác cát hoặc tận dụng cát ở những dự án nạo vét luồng lạch để cung ứng vật liệu san nền cho các dự án giao thông. Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đã ký quyết định cho phép nạo vét cồn nổi bị sạt lở trên nhánh cù lao Tân Phong thuộc ấp Tân Thiện (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) để vừa nạo vét luồng lạch, vừa thu hồi vật liệu xây dựng; thời gian thực hiện trong các năm 2022 và 2023. Dự án có quy mô nạo vét âm 5,3m, rộng 100m và có chiều dài 1.000m, dự kiến thu hồi gần 242.000m3 cát sỏi.

Tương tự, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng giao các sở, ngành triển khai thăm dò trữ lượng để làm thủ tục mở thêm những mỏ cát mới. Tuy nhiên, quan điểm chung của tỉnh là cần có những giải pháp căn cơ hơn. UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao tất cả các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cùng tham gia cung ứng cát cho các dự án giao thông, chứ không chỉ các tỉnh có tuyến đường đi qua. Cùng với đó, các cơ quan hữu quan cần đẩy nhanh việc nghiên cứu vật liệu thay thế cát nước ngọt bằng cát đồi, cát nhiễm mặn, xỉ than… để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng các dự án đường giao thông theo quy định.

Đồng quan điểm, tháng 9 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án trong khu vực trước khi có thể dùng đại trà loại vật liệu mới này từ cuối năm 2023.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đề xuất: “Ước tính trữ lượng cát biển tại tỉnh lên đến hàng tỷ mét khối. Nếu được phép khai thác phục vụ xây dựng, đây sẽ là nguồn vật liệu dồi dào. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá kỹ tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân biển”.

Theo Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), để có thể sử dụng cát biển làm vật liệu đắp cho các dự án cao tốc, cần ưu tiên thi công thí điểm đoạn nền đường đắp qua vùng đất yếu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thí nghiệm trộn cát biển với các vật liệu như tro xỉ kết hợp xi măng, đá nghiền... để đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm vật liệu san nền thay thế cát sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.