(HNM) - Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện giao nhiệm vụ cho ngành Thể thao phải đạt thành tích tốt tại Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) năm 2018.
Các VĐV pencak silat được kỳ vọng giành huy chương cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Ảnh: Minh Hoàng |
Điều chỉnh mục tiêu
Sau khi khẳng định được vị thế tại SEA Games, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có chỗ đứng vững chắc trong nhóm đầu tại các kỳ ASIAD. Tuy nhiên, tại đấu trường ASIAD, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam không ổn định dù trình độ của nhiều vận động viên (VĐV), nhiều môn đã tiếp cận nhóm tranh chấp ngôi vô địch. Điều đáng chú ý là trong 4 kỳ ASIAD gần nhất, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam có chiều hướng đi xuống. Nếu năm 2002, Đoàn Việt Nam bất ngờ giành tới 4 Huy chương vàng (HCV) thì đến năm 2006, thành tích giảm chỉ còn 3 HCV. Đến hai kỳ ASIAD diễn ra vào năm 2010 và 2014, Đoàn Việt Nam chỉ giành được 1 HCV ở mỗi kỳ. Cả hai tấm HCV đó đều thuộc về VĐV các môn võ như karatedo, wushu. Những môn thể thao trọng điểm của Việt Nam như điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ đều không có tên trên bảng vàng ASIAD trong những năm gần đây.
Thể thao Việt Nam bước vào năm 2018 trong bối cảnh nhiều môn trọng điểm đã có bước tiến vượt bậc, trong đó VĐV bắn súng đã giành cả HCV và Huy chương bạc (HCB) tại Olympic 2016; điền kinh đã có nội dung rõ khả năng tranh chấp ngôi vô địch ASIAD. Ngoài ra, một số môn khác như karatedo, pencak silat, wushu, boxing, taekwondo… cũng bộc lộ khả năng tranh chấp ngôi vô địch tại đấu trường châu lục. Tuy vậy, có lẽ thành tích khiêm tốn tại kỳ ASIAD gần đây nhất (giành 1 HCV, xếp hạng 21 chung cuộc) đã khiến Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) thận trọng, chỉ đặt mục tiêu giành 2-3 HCV tại ASIAD 2018. Điều đáng nói là mục tiêu này được đưa ra ngay cả khi môn thể thao thế mạnh của Việt Nam là pencak silat lần đầu tiên có tên trong chương trình thi đấu ASIAD.
Khi đề cập đến mục tiêu tại ASIAD 2018, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Đoàn thể thao Việt Nam ít nhất cũng phải tái lập thành tích giành 3 HCV tại ASIAD 2006. “Lớp VĐV đi trước đã giành được thành tích như vậy thì không có lẽ gì chúng ta không thể làm được, nhất là khi mọi điều kiện để VĐV vươn đến đỉnh cao đã được bảo đảm tốt hơn trước” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Tổng cục TDTT đã điều chỉnh mục tiêu cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Gần đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn xác nhận rằng mục tiêu đó là giành ít nhất 3 HCV.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Với một nền thể thao còn chưa tạo được nền tảng vững chắc ở nhiều môn thì sự thay đổi về chỉ tiêu, dù chỉ một tấm HCV cũng là vấn đề lớn. Bởi chỉ riêng việc biết bao con người gắng sức đến tột cùng mà rồi cũng chỉ giành được 1 HCV tại ASIAD năm 2010 và 2014 cho thấy, việc giành huy chương ở đấu trường châu lục khó khăn đến nhường nào.
Thực lực là vậy, nhưng muốn giành HCV thì phải có giải pháp cụ thể và thực hiện giải pháp đó một cách quyết liệt. Như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Chúng ta không còn nhiều thời gian. Giờ không còn là lúc đi tìm giải pháp nữa, mà là nỗ lực thực hiện giải pháp để giành HCV ở ASIAD 2018”.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I Hoàng Quốc Vinh cho rằng: “Nhóm môn điền kinh, bắn súng, bơi, cử tạ, taekwondo, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, xe đạp, wushu, pencak silat... từng giành được 49 HCV trên tổng số 58 HCV của đoàn Việt Nam tại SEA Games 29 - năm 2017, cùng một số môn như Jujitsu, Sambo, Kurash... sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc hiện thực hóa mục tiêu “giành vàng”. Trong hàng loạt giải pháp được thực hiện thì việc tăng mật độ thi đấu sẽ được chú trọng thay vì tập trung tổ chức cho VĐV thực hiện những chuyến tập huấn dài hạn”.
Ông Hoàng Quốc Vinh cũng nhấn mạnh đến hàng loạt giải pháp khác, trong đó có việc tăng cường dinh dưỡng bằng cách sử dụng các loại thực phẩm chức năng để nâng cao khả năng hấp thụ và chuyển hóa năng lượng cho VĐV. Bên cạnh đó là tìm kiếm nguồn tài chính để bảo đảm cho VĐV thực hiện kế hoạch thi đấu quốc tế, có chế độ ăn phù hợp và có đầy đủ trang thiết bị tập luyện. Ngoài nguồn kinh phí được phân bổ, Vụ Thể thao thành tích cao I đã phối hợp với các địa phương có VĐV trọng điểm thực hiện thỏa thuận đầu tư theo hình thức “đôi bên cùng đầu tư, đôi bên cùng có lợi”. Trong những ngày cuối năm 2017, sau các cuộc làm việc với Vụ Thể thao thành tích cao I, Sở VH-TT&DL An Giang cam kết chi đối ứng 15.000 USD cho VĐV Hồ Thị Kim Ngân (taekwondo, An Giang) trong năm 2018 và dự kiến phối hợp đầu tư cho đến năm 2020; cùng phối hợp đầu tư cho VĐV Nguyễn Thị Thật (xe đạp, An Giang) đi tập huấn trong 3 tháng tại Thụy Sĩ. Sở VH-TT&DL Cần Thơ cũng khẳng định sẽ chi đối ứng để cùng Tổng cục TDTT đầu tư cho VĐV boxing nữ Đỗ Hồng Ngọc với mức 350 triệu đồng trong năm 2018 để thi đấu quốc tế và tập huấn...
Câu chuyện đặt mục tiêu và đầu tư cho ASIAD 2018 đã cho thấy nhiều điều. Ở đó, cần một sự mạnh dạn, chính xác trong việc xác định mục tiêu, cần sự rõ ràng khi đề ra giải pháp và cần sự quyết đoán khi thực hiện các giải pháp đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.