(HNMO) - Chiều 3-5, Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền đô thị của TP Hà Nội tổ chức hội thảo “Thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa chính quyền trung ương với chính quyền TP Hà Nội; giữa các cấp của chính quyền của thành phố trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và xây dựng đô thị thông minh”.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án Nguyễn Đức Chung chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thành viên Ban Chỉ đạo Đề án và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án Vũ Đức Bảo. Dự hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các sở, ban, ngành của TP Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu…
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng nhấn mạnh, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong các lĩnh vực kinh tế -xã hội…, trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của bộ máy chính quyền các cấp của thành phố đã bộc lộ một số hạn chế, bất hợp lý về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực.
Thực tế đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu, trao đổi và thống nhất trong nhận thức về những vấn đề mang tính lý luận cũng như thực tiễn đỗi với mô hình tổ chức, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội, đáp ứng yêu cầu bối cảnh tình hình mới.
Với tinh thần đó, Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị các đại biểu thảo luận, trao đổi liên quan đến 4 nhóm vấn đề.
Một là định hướng phát triển đô thị thông minh; những điều kiện bảo đảm cho việc phát triển đô thị thông minh và tác động đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền thành phố.
Hai là tập trung làm rõ những vướng mắc, chồng chéo hiện nay trong công tác quản lý nhà nước cách lãnh vực: Kế hoạch - đầu tư; tài chính - ngân sách; đất đai; quy hoạch, xây dựng; văn hóa - xã hội; các giải pháp…
Ba là đánh giá thực trạng phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội hiện nay, nêu rõ hạn chế, bất cập trong các văn bản quy định đối với từng lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đất đai, tổ chức bộ máy, quản lý đô thị…, đề xuất cơ chế, chính sách.
Bốn là đánh giá thực trạng phân cấp giữa các cấp chính quyền thành phố Hà Nội hiện nay, chỉ rõ hạn chế, bất cập; kiến nghị cấp có thẩm quyền về lộ trình, trách nhiệm cũng như các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án…
Tại hội thảo, đã có 13 ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tập trung làm rõ và phân tích sâu những nội dung quan trọng.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau một buổi làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, hội thảo về “Thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa chính quyền trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội; giữa các cấp chính quyền của thành phố trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và xây dựng đô thị thông minh” đã hoàn thành tốt các yêu cầu, nội dung và chương trình đề ra.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo. |
Các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tập trung làm rõ và phân tích sâu những nội dung quan trọng. Cụ thể, các ý kiến đã đóng góp cụ thể vào việc sắp xếp lại các bố cục, chuyên đề cho hợp lý và phân tích rõ những hạn chế trong nội dung các chuyên đề, đồng thời nêu một số kiến nghị về mô hình, phạm vi của chính quyền đô thị Hà Nội, sự kết hợp quản lý giữa chính quyền đô thị nội đô và vùng nông thôn.
Các ý kiến đã đánh giá kết quả đạt được trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, đất đai, văn hóa - xã hội của chính quyền thành phố Hà Nội trong thời gian qua; chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế.
Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nêu trên cho phù hợp với định hướng xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội theo hướng đô thị thông minh.
Hội thảo cũng tập trung đánh giá thực trạng phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành với chính quyền thành phố Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch, đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, tổ chức bộ máy; quản lý đô thị; văn hóa - xã hội… Đối với từng lĩnh vực, hội thảo đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn cũng như những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước đối với thành phố hiện nay. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã tập trung làm rõ những bất cập, vướng mắc trong việc phân cấp nhiệm vụ trên một số lĩnh vực giữa các cấp chính quyền thành phố và giữa các sở, ban, ngành… trong thời gian qua.
Các ý kiến đóng góp đã nêu rõ, đề án cần xác định những nhiệm vụ nào, cơ quan nào làm tốt thì tiếp tục phát huy; trong thực hiện dịch vụ công thì nhà nước nên làm gì và doanh nghiệp, người dân làm gì. Đồng thời cần có phân cấp, phân quyền rõ, trong đó đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của bộ máy chính quyền.
Ngoài ra, các đại biểu đóng góp cụ thể về thành phố thông minh với các tiêu chí, ứng dụng, dịch vụ, giai đoạn cụ thể...
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị về việc đẩy mạnh phân cấp trong từng nhiệm vụ cụ thể, từ Chính phủ, bộ, ngành cho thành phố Hà Nội. Các cơ quan trung ương cần có cơ chế, chính sách phân cấp đặc thù đối với thành phố Hà Nội, đặc biệt đối với các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư; tài chính - ngân sách; đất đai; tổ chức bộ máy…, kèm theo đó là những điều kiện cụ thể để bảo đảm cho thành phố triển khai thực hiện những nhiệm vụ này, tạo điều kiện cho chính quyền thành phố tổ chức công việc bảo đảm tính phản ứng, chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy, kịp thời, xuyên suốt, để xây dựng và thực hiện thành công Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội.
Các ý kiến cũng nêu rõ tính pháp quyền trong quá trình quản lý, điều hành của chính quyền đô thị, sự tham gia của người dân nhiều hơn trong điều hành của chính quyền thành phố.
“Các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và thật sự mong muốn đóng góp cho việc xây dựng thành công Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội” - đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý này để hoàn thiện hơn nữa nội dung Đề án. Thành phố cũng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.