Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Việt Nga| 03/12/2015 06:13

(HNM) - Ngày 1-12, HĐND thành phố đã thông qua dự thảo Nghị quyết (NQ) về Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Bên lề kỳ họp ngày 2-12, ĐB Nguyễn Văn Hải (Tổ Nam Từ Liêm) đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới về vấn đề này.


- Trong báo cáo thẩm tra về dự thảo NQ về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông của Ban Pháp chế, HĐND thành phố có đề cập, sắp tới Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát, điều chỉnh quy hoạch nội đô. Từng là Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, ông đánh giá gì về giải pháp này?

- Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm rõ rệt, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm. Tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản.

Nói về vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay thì có nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân (tốc độ tăng trung bình khoảng 10%/năm), việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn… Cụ thể, địa bàn thành phố ước có hơn 4,3 triệu phương tiện giao thông các loại, trong đó riêng xe máy chiếm gần 4 triệu chiếc. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều bất cập và yếu kém, thiếu một mạng lưới khung hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông, vận tải. Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, hiện chỉ chiếm khoảng 7-8% đất xây dựng đô thị. Trong khi đó, mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại là từ 20 đến 26% (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, chỉ tiêu này là 20-25%). Mặt cắt ngang đường phần lớn là hẹp (mặt cắt >_ 11m chỉ chiếm khoảng 30%) và có quá nhiều nút giao đồng mức. Mạng lưới giao thông đường bộ chưa hoàn thiện, hoàn chỉnh để kết nối liên thông tạo thành mạng lưới chính đồng bộ; các tuyến vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín. Đó còn chưa kể đến ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao; đồng thời mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu… Đó là những lý do khiến ùn tắc giao thông chưa được giải quyết triệt để.

Song, không thể không nhắc đến một nguyên nhân căn bản gây ra ùn tắc đường là do tập trung quá nhiều cơ quan, chỗ làm việc ở trung tâm thành phố. Có quá nhiều người đi làm việc, học tập tại các cơ quan, trụ sở, trường học tại trung tâm thành phố mà thực tế thì cứ ngày lễ, tết đường phố lại vắng vẻ, không có chuyện tắc đường. Do vậy, cần thiết phải thực hiện việc kiểm soát, điều chỉnh quy hoạch nội đô này là một trong những giải pháp để làm giảm dân số nội đô cũng đồng thời thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện di chuyển một số cơ quan, đơn vị, trường học ra ngoài. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, phát triển đô thị mới thu hút người dân ra khỏi khu vực nội đô thực hiện chủ trương của Quy hoạch chung là giảm dân số khu vực nội đô từ khoảng 1,5 triệu dân xuống 800.000 dân cũng là một điều kiện để giảm ùn tắc giao thông.

- Sự xuất hiện của nhiều cao ốc, tòa nhà có là nguyên nhân làm tăng mật độ dân số trong nội thành?

- Việc xem xét một số công trình cao tầng là để hoàn thiện không gian kiến trúc đô thị cho nội đô và phục vụ nhân dân tại chỗ là phù hợp. Thực tế, việc xây dựng các tòa nhà, cao ốc trong khu vực nội đô cũng đã được xác định nguyên tắc bảo đảm không làm gia tăng dân số, góp phần cho cảnh quan kiến trúc của khu vực, tạo điểm nhấn đô thị, tăng tiện ích công cộng cho người dân và việc xây dựng cao tầng cũng đã được kiểm soát từ trước. Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng quy định quản lý công trình cao tầng khu vực nội đô, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến sẽ ban hành và là công cụ để quản lý và kiểm soát, tôi tin rằng việc kiểm soát sẽ không dẫn đến làm gia tăng dân số khu vực này.

- Cũng có ý kiến cho rằng, việc di chuyển trụ sở cơ quan ra ngoài nội đô, nhưng sau đó lại dành đất cho xây dựng khu đô thị?

- Không có chuyện đó, việc di chuyển một số trụ sở cơ quan ra khỏi nội thành có nguyên tắc cụ thể, trong đó dành để ưu tiên xây dựng công trình công cộng, tiện ích và các chức năng hỗ trợ cho người dân đô thị, không có xây dựng nhà ở.

- Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.