Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm cách tái khởi động nhiều dự án giao thông bị đình trệ tại thành phố Hồ Chí Minh

An Tôn| 03/03/2023 12:02

(HNMO) - Ngày 3-3, Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường đã có ý kiến chỉ đạo về xử lý một số dự án giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bị đình trệ lâu nay.

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm ùn tắc giao thông, cần vốn để đầu tư nâng cấp mở rộng.

Đây là những dự án từng được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải, ách tắc giao thông tại nhiều khu vực cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là sự thay đổi trong chính sách kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP khiến những dự án này bị đình trệ.

Thứ nhất là dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 - giai đoạn 2). Năm 2018, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng BOT với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) với tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng. 

Theo đó, nhà đầu tư sẽ mở rộng đường Ung Văn Khiêm với quy mô 6 làn xe, xây dựng nút giao ngã năm Đài Liệt sĩ; xây dựng mới đường Chu Văn An để kết nối với nút giao thông và mở rộng đường nhánh (quận Bình Thạnh); xây dựng mới hai cầu Ông Dầu bên cạnh cầu cũ trên quốc lộ 13 (quận Thủ Đức, nay là thành phố Thủ Đức).

Vị trí dự kiến triển khai một hợp phần của dự án cầu - đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2).

Tuy nhiên, tới năm 2019, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát và dừng dự án, do Nghị quyết 437 của Quốc hội không cho phép đầu tư dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu. Theo điều khoản hợp đồng BOT đã ký, khi xảy ra điều kiện bất khả kháng làm cho công tác thu phí hoàn vốn dự án không thể thực hiện được, thành phố phải trả cho nhà đầu tư các khoản chi phí đầu tư và lợi nhuận.

Về dự án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát các pháp lý liên quan; tham mưu, đề xuất và dự thảo công văn của UBND thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các thủ tục liên quan dự án. 

Sở Giao thông Vận tải được giao khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án tăng khả năng lưu thông, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 13 (phạm vi cầu Ông Dầu); tham mưu, đề xuất UBND thành phố trong tháng 3-2023. Đây là một trong những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng của thành phố, nhất là vào các khung giờ cao điểm trong ngày.

Thứ hai là dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Đây là công trình trọng điểm nhằm thay thế cầu cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trên các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ - Tân Quý ra quốc lộ 1A. 

Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), khởi công từ quý I-2018 (riêng hạng mục cầu tạm hoàn thành vào năm 2016). Theo phụ lục hợp đồng BOT, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1A để hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, lúc dự án mới đạt 70%, nhà đầu tư phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng.

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị đình trệ lâu nay.

Thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định tạm dừng dự án này theo hình thức BOT. Từ năm 2020, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành rà soát, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn công. Đồng thời, các sở, ngành tiến hành rà soát các chi phí hợp pháp đã thực hiện dự án để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.

Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Sở Giao thông Vận tải thành phố kiến nghị HĐND thành phố xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án xây cầu Tân Kỳ - Tân Quý gần 492 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự kiến năm 2024 hoàn thành giải phóng mặt bằng; hoàn tất, đưa công trình vào sử dụng từ năm 2025.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công là chưa có tiền lệ. Pháp luật về xây dựng, tài chính, đầu tư theo hình thức đối tác công tư hiện cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục và nội dung thực hiện.

Về dự án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND quận Bình Tân và các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung liên quan đến công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu phạm vi ảnh hưởng đến dự án (chủ trương điều chỉnh, nguồn kinh phí thực hiện...); giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND thành phố bố trí vốn cho dự án theo tiến độ thực hiện.

Thứ ba là dự án Xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Dự án này do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh Dự đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 1.560 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 2,7km từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 đến điểm giao với đường dẫn vào cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. 

Điểm cuối của đường Võ Văn Kiệt (Đại lộ Đông - Tây) đang chờ được nối dài đến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo dự kiến ban đầu, dự án được khởi công từ tháng 10-2015 và dự kiến hoàn thành năm 2017. Tuy nhiên, tính đến năm 2022, do nhiều lý do, dự án mới hoàn thành 12% giá trị hợp đồng. Tháng 7-2022, UBND thành phố chấp thuận đề xuất của các cơ quan tham mưu về ngừng thực hiện dự án, tìm cách giải quyết khác.

Về dự án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tổng thể dự án trên cơ sở một số tồn tại của dự án cũ (ngân hàng không tiếp nhận dự án, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, nhà đầu tư đã đầu tư một phần kinh phí...).

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất phương án kết nối với đường Vành đai 3 phát huy khả năng khai thác cho dự án; tham mưu, đề xuất và dự thảo công văn của UBND thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn cụ thể hợp đồng BOT đã ký và triển khai dự án mới. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm cách tái khởi động nhiều dự án giao thông bị đình trệ tại thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.