Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu thụ nông sản ở chợ đầu mối: Cha chung không ai khóc? (bài cuối)

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh| 21/08/2016 06:29

(HNM) - Thực trạng buôn bán, tiêu thụ nông sản trôi nổi trên thị trường đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài cuối: Sớm chấn chỉnh thị trường

(HNM) - Thực trạng buôn bán, tiêu thụ nông sản trôi nổi trên thị trường đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề đặt ra, các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, giám sát, tuyên truyền cho thương lái nâng cao ý thức. Cùng với đó, cần phải chấn chỉnh kịp thời việc tiêu thụ các loại rau, củ, quả bát nháo như hiện nay.

Giám sát ngay từ khâu sản xuất

Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng để nâng đỡ, đưa dần hoạt động kinh doanh nông sản an toàn vào nền nếp ngay từ chợ đầu mối. Nếu nông sản ở vùng sản xuất tốt, chất lượng sạch thì có vị thế tốt ở chợ đầu mối, ngược lại, sản xuất phổ thông chưa được đánh giá hợp quy, chấp nhận bán với giá đại trà và dần bị tẩy chay. Về lâu dài, thành phố cần có sự rà soát đánh giá tổng thể các chợ đầu mối cũng như gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp, Ban Quản lý chợ trong việc đầu tư nâng cấp, chỉnh trang, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Duy Hồng cho rằng, qua các đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, nếu phát hiện mẫu rau củ, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, độc hại gây nguy hiểm tới sức khỏe cộng đồng thì ngoài phạt trực tiếp tiểu thương kinh doanh tại chợ, các Ban Quản lý chợ dứt khoát phải xử lý cán bộ chuyên trách được phân công kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản.

Giám đốc Trung tâm Kinh doanh dịch vụ chợ đầu mối phía Nam Đỗ Quang Sơn cũng đánh giá, để nâng cao công tác quản lý ngành hàng bán tại chợ, ngoài việc kiểm tra hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, giấy kiểm dịch, Trung tâm thường xuyên phối hợp với lực lượng liên ngành kiểm tra, lấy mẫu test các sản phẩm rau, củ quả có nguy cơ cao. Trong trường hợp phát hiện vi phạm ở mức độ nhẹ thì nhắc nhở, nhưng nếu tiểu thương có hành vi vi phạm như dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép ở mức độ nghiêm trọng sẽ tiến hành chấm dứt hợp đồng đối với thương lái và nêu tên trên hệ thống loa phát thanh của chợ để các tiểu thương khác biết và không vi phạm.

Thí điểm mô hình chợ an toàn

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để quản lý chặt chẽ các loại nông sản bán tại chợ đầu mối, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người kinh doanh cũng như tiêu dùng về sử dụng nông sản có nguồn gốc. Có chính sách hỗ trợ về vốn, tiền thuê cửa hàng cho các tiểu thương bán nông sản an toàn để có chỗ đứng trên thị trường. Hiện khó khăn lớn nhất của người tiêu dùng là không phân biệt được nông sản an toàn. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đang thí điểm sử dụng biện pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa điện tử. Tất cả sản phẩm nông sản an toàn sẽ được dán mã QR (hay mã vạch hai chiều). Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại quét qua mã này là nhận biết được thông tin về nguồn gốc cũng như các điểm bán sản phẩm. Việc này sẽ từng bước hạn chế được nông sản “bẩn” trà trộn với sản phẩm an toàn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề xuất, thành phố nên thực hiện thí điểm mô hình chợ an toàn đối với chợ đầu mối, theo đó các ngành hàng sẽ được sắp xếp riêng biệt, ngăn nắp. Đồng thời, có quy định vùng sản xuất an toàn bán ở một khu, sản phẩm không có nguồn gốc sẽ bán ở một nơi để người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá. Ngoài ra, tránh tình trạng hàng không an toàn tuồn sang khu an toàn, các ngành chức năng phối hợp với Ban Quản lý chợ đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm chấm dứt hợp đồng buôn bán tại chợ. Về phía doanh nghiệp, chính quyền địa phương đang quản lý chợ đầu mối, dành một phần kinh phí nhất định để sửa chữa nâng cấp các hạng mục trong chợ, thu gom rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tăng cường đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật vào chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm soát rau xanh và củ, quả khi tiểu thương đưa vào chợ tiêu thụ tại chợ đầu mối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu thụ nông sản ở chợ đầu mối: Cha chung không ai khóc? (bài cuối)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.