(HNM) - Có nhiều cách để thực hành tiết kiệm, với cá nhân cũng như xã hội. Như là giảm chi những khoản không cần thiết; tính toán kỹ lưỡng trước khi mua sắm bảo đảm thứ mua có giá trị sử dụng phù hợp, không phải mua rồi bỏ không dùng...
Tựu trung thì tiết kiệm không có nghĩa là không chi, mà là chi hợp lý với hoàn cảnh và nhu cầu, như người ta nói là trở thành người tiêu dùng thông minh. Chuyện mua bán của doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ cũng vậy, mua gì, bán gì thì cũng phải tính đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mà quan trọng là bảo đảm đem lại sự hài lòng của phía mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ. Nói vậy, tức là mua - bán, cung cấp gói sản phẩm không có nhiều người cần cũng là một kiểu hoang phí.
Chỉ nói về tiết kiệm trong cung cấp - sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, liên quan nhiều đến truyền hình bóng đá, cũng thấy rõ điều nói trên.
Nửa tháng nay, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam bận rộn với việc bỏ thầu bản quyền truyền hình Giải bóng đá ngoại hạng Anh trong 3 mùa bóng tới đây, có tin nói là còn khoảng 3 tuần nữa là "đáo hạn". Với thị trường truyền hình Việt Nam, đó là món hàng đắt giá, được nhiều khách hàng chọn mua, bởi vậy đơn vị nào sở hữu gói bản quyền truyền hình trực tiếp giải này trên lãnh thổ Việt Nam sẽ có ưu thế tương đối trong cuộc đua thu hút khách hàng chọn dịch vụ của mình. Hơn hai năm trước, VSTV với kênh K+ đã có được ưu thế đó nhờ bạo chi, sau "một mình một ngựa" với bản quyền các trận đấu ngoại hạng Anh trong ngày chủ nhật và một số giải đấu "hot" khác như Italia, Tây Ban Nha. Đó là một ví dụ cho thấy ưu thế của nhà đài được độc quyền phát sóng giải đấu bóng đá đỉnh cao, nhưng đó có phải giải pháp tiết kiệm hay không lại là một chuyện khác.
Cho đến hôm qua vẫn chưa có tin chính thức về đơn vị sẽ nhận trách nhiệm đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam thương thảo với BTC Giải bóng đá ngoại hạng Anh dù xu hướng hiện nay cho thấy nhiều khả năng không có cảnh cạnh tranh mua bản quyền "lấy được" như ba năm về trước. Và, kể cả khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình ở Việt Nam có thống nhất cử đại diện thương thảo thì cũng chưa chắc bản quyền rốt cuộc sẽ thuộc về họ chứ không phải là một đơn vị trung gian bỏ giá cao ngất ngưởng để rồi bán lại với giá cao như trước đây. Cho đến giờ, theo thông tin dư luận, có hai tình huống có thể xảy ra: Các đài truyền hình Việt Nam thắng thầu; thứ hai là một đơn vị trung gian thắng và phía Việt Nam phải mua lại quyền truyền hình trực tiếp từ họ. Nếu để lâm vào tình huống thứ hai thì rất dễ xảy ra tình trạng như ba năm trước, tức là phải mua đắt nhưng vẫn không được số đông hài lòng vì họ phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ. Chuyển từ VCTV, VTC, SCTV, HCTV… quen thuộc sang một mạng khác tức là phải mất phí dịch vụ mới, có khi còn phải mua đầu thu mới, chắc chắn là có những khoản chi giời ơi đất hỡi. Muốn tránh điều ấy, nhà cung cấp nên đoàn kết trong việc bỏ thầu, vì người sử dụng một phần và vì chính họ nhiều phần. Thậm chí, nếu tính đường xa, muốn xóa tiền lệ xấu ba năm về trước thì cần đối diện tình huống xấu là không có tín hiệu ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam trong ba mùa tiếp sau, để sau này có nói chuyện mua thì không ai dám ép quá đáng.
Tiết kiệm còn là biết những gì cần mua, những gì không nên mua dù có giá rẻ, thậm chí là cho không. Như ở vòng loại World Cup 2014 đang diễn ra, một vòng đấu loại ở Châu Âu có bao trận hay, cơn cớ gì chọn trận kém "hot" như Áo - Kazakhstan để phát trực tiếp? Mỗi tuần có mấy chục trận bóng đá quốc tế được phát trực tiếp ở Việt Nam, toàn tầm ngoại hạng sao còn phải mua phát trực tiếp hạng nhất Anh? Mấy người xem? Tốn tiền, "tốn sóng" dù biết hiệu quả thấp, đó có phải là kinh doanh giỏi, có phải lãng phí?
Thực hành tiết kiệm có nhiều cách, chỉ riêng chọn mua bản quyền truyền hình bóng đá hợp lý, thiết thực với khách hàng đã là tiết kiệm rồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.