Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Hàng loạt quy định “mở”

Đức Anh| 05/04/2014 06:50

(HNM) - Ngay từ đầu quý II, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu loạt chương trình tái cấu trúc một số tổ chức tín dụng mới.

Giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu đã thành công

Không còn ở thời kỳ tất cả ngân hàng đều hoạt động hiệu quả, một vài năm trở lại đây, con số về kết quả kinh doanh của ngân hàng đã "tố cáo" những ngân hàng yếu, không còn đủ sức đứng vững trên thị trường. Có thời điểm, nhiều chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ "vỡ" hệ thống ngân hàng do tăng trưởng tín dụng quá nóng. Ồ ạt cho vay, ngân hàng như "ngủ quên" trên lợi nhuận mà "phớt lờ" những điều kiện vay, không còn áp dụng cơ chế chặt chẽ trong việc đánh giá tài sản bảo đảm hay những dự án có tính khả thi trong tương lai. Kết quả, hàng loạt ngân hàng rơi vào cảnh nợ xấu cao. Bởi vậy, sáp nhập, tái cơ cấu được coi như xu hướng tất yếu để "chữa bệnh" cho thời kỳ quá nóng.

Các ngân hàng thương mại đang được tạo điều kiện tái cơ cấu nợ như giãn nợ, giảm lãi suất... Ảnh: Hải Anh


Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 9 ngân hàng yếu kém. Nhiều cái tên một thời "đình đám" trên thị trường như Habubank (sáp nhập vào SHB), Western Bank (hợp nhất với Công ty Tài chính PVFC), Tín Nghĩa, Đệ Nhất (hợp nhất cùng SCB) biến mất. Một thương hiệu khác cũng không còn tên trên thị trường sau khi thực hiện sáp nhập với HDBank dù không thuộc diện "yếu kém" là DaiA Bank.

Trước đó, thương vụ tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng được đánh giá thành công như LienVietPostBank, TienPhongBank, Navibank. Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn 1 của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả khả quan, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, không còn ngân hàng nào rơi vào nguy cơ mất khả năng thanh toán. Hoạt động thị trường liên ngân hàng nhờ đó cũng đã diễn ra minh bạch hơn, với mức lãi suất được điều chỉnh từ hơn 20%/năm xuống chỉ còn 10-12%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại đã có nguồn vốn dự trữ khá lớn, tăng trưởng huy động vốn từ dân cư cao, kể cả nội tệ và ngoại tệ…

Sẽ sáp nhập 6-7 ngân hàng

Về kết quả của những cuộc "thay máu" ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, trong số 9 tổ chức tín dụng đã tiến hành tái cấu trúc đợt I, chỉ còn một tổ chức đang trong quá trình hoàn tất đàm phán, đó là GPBank. Ngân hàng yếu kém cuối cùng này chưa hoàn tất vụ mua bán, sáp nhập, nên dự kiến trong năm nay sẽ có ngân hàng nước ngoài mua lại 100% cổ phần của GPBank. Kể từ khi bắt đầu tái cơ cấu đến nay, những khó khăn của các ngân hàng đã được khắc phục, hệ thống ngân hàng thoát khỏi tình trạng đổ vỡ. Đặc biệt, một số tổ chức tín dụng sau khi sáp nhập không những trả được nợ vay NHNN tái cấp vốn mà còn trả được nợ vay trên thị trường. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện. Trong năm 2014, NHNN sẽ tiếp tục tái cấu trúc các tổ chức tín dụng đợt II. Riêng trong quý I-2014, NHNN đã đề nghị các tổ chức tín dụng lựa chọn một trong hai biện pháp, đó là để NHNN trực tiếp vào thanh tra hoặc NHNN giao cho các công ty kiểm toán độc lập lớn vào kiểm toán chất lượng tín dụng. Sau khi có kết quả, ngay từ đầu quý, NHNN sẽ bắt đầu loạt chương trình tái cấu trúc một số tổ chức tín dụng mới. Dự kiến trong năm 2014, NHNN sẽ thực hiện sáp nhập 6-7 ngân hàng. Như vậy, sẽ đưa tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép lên khoảng 7-10 ngân hàng.

Dự báo về thời kỳ hoàn thành quá trình tái cơ cấu, các chuyên gia cho rằng, nếu thuận lợi, chương trình này sẽ kết thúc vào năm 2015. Sau thành công của giai đoạn 1, trong giai đoạn 2, NHNN sẽ tập trung vào việc lành mạnh hóa tài chính, xử lý nợ xấu bằng việc NHNN đưa ra hàng loạt quy định "mở" để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại nợ, như giãn nợ, giảm lãi suất... NHNN cũng kiến nghị Chính phủ miễn giảm một số loại thuế, phí đối với các ngân hàng được xử lý mua, bán, sáp nhập; thành lập công ty mua bán nợ tập trung để xử lý nợ xấu… Giai đoạn 3, NHNN chuẩn bị các chương trình tái cơ cấu với việc ban hành một số quy định về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, chỉ tiêu an toàn hệ thống, công khai minh bạch tài chính...

Kết thúc quý I-2014, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 0,01% so với cuối năm 2013. Riêng tháng 3, tín dụng tăng trưởng 1,35%, tuy nhiên dòng chảy tín dụng chủ yếu vào trái phiếu, mang lại mức tăng 1,09%. Song con số này vẫn được đánh giá là có cải thiện, vì trước đó, trong suốt tháng 1 và tháng 2, tăng trưởng tín dụng bị âm, mức giảm 0,55% và 0,65%. Con số này cho thấy, nguồn vốn đang dư thừa của ngân hàng chưa đến được với doanh nghiệp và người dân.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Hàng loạt quy định “mở”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.